Đây là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc kháng vi rút (ARV) chứa tenofovir mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Khi một người có nguy cơ cao phơi nhiễm với HIV qua đường quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống này có thể bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV.
Theo các chuyên gia: Nếu được dùng đều đặn và thường xuyên, PrEP sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao tới 92%. Mục tiêu của chương trình thí điểm PrEP này là tìm ra mô hình cung cấp dịch vụ tốt nhất, có tính bền vững. Chương trình thí điểm này sẽ được thực hiện đến tháng 9/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thí điểm sẽ được sử dụng để xây dựng hướng dẫn quốc gia và cơ chế tài chính cho PrEP trong thời gian tới. Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đầu tiên được giới thiệu cho các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như: nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình (vợ/chồng) âm tính của người có H.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đặc biệt ở 15 tỉnh/thành phố có tình hình dịch cao; triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng; mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh/thành phố trọng điểm (Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai). Điều này sẽ giảm thời gian chờ đợi trả kết quả xét nghiệm khẳng định cho bệnh nhân cũng như không phải vận chuyển mẫu máu đi xa.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2017, số trường hợp HIV dương tính mới phát hiện khoảng 3.546 ca, 1.959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%. Trong số người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, từ mẹ sang con là 3%. Như vậy, lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cho thấy dịch HIV vẫn lây lan trong cộng đồng và ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Đáng chú ý là cả nước có 20 tỉnh, thành phố phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số người nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước. Tại Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì phát hiện số mới nhiễm HIV vẫn gia tăng. Điều này cho thấy HIV đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.
Mặt khác, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây. Tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.
Trước tình hình trên, cùng với tăng cường truyền thông, ngành y tế đã tập trung triển khai các can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể là hơn 15 triệu bao cao su được triển khai thông qua kênh tiếp thị xã hội; điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh thành phố với 294 cơ sở điều trị cho 52.231 bệnh nhân (đạt 65,3% chỉ tiêu Chính phủ giao). Đồng thời, đến tháng 4/2017, hơn 118.000 bệnh nhân đã được điều trị ARV đạt 56% số người nhiễm HIV được phát hiện; mở rộng điều trị bằng ARV tại trạm y tế để bệnh nhân dễ dàng tiếp cận. Đến nay, hơn 7.800 bệnh nhân đã được nhận thuốc ARV tại xã...
Hiện nay, hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xét nghiệm phát hiện HIV do phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn. Các hoạt động can thiệp giảm hại (bơm kim tiêm, bao cao su) và truyền thông triển khai hạn chế do thiếu kinh phí. Bệnh nhân điều trị thay thế nghiện bằng Methadone và bệnh nhân sử dụng thuốc kháng vi rút A(RV) tăng chậm. Việc chuyển đổi nguồn lực từ viện trợ sang bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn do tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chưa cao. Đồng thời, hệ thống tổ chức y tế thay đổi từ tỉnh đến tuyến huyện gây ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng và tinh thần làm việc của cán bộ y tế.
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định: Thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2017, công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS với các nội dung trọng tâm như: Dự phòng lây nhiễm HIV; xét nghiệm HIV sớm; điều trị ARV sớm; tham gia bảo hiểm y tế.... Hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn (như can thiệp, điều trị)... Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường huy động các nguồn lực địa phương triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại cho các khu vực trọng điểm về HIV, tệ nạn ma túy ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng cấp phát thuốc tại xã; đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, trại giam, trại tạm giam. Bộ Y tế sẽ thí điểm việc cấp thuốc ARV nhiều tháng cho các trường hợp điều trị ổn định; triển khai xét nghiệm tải lượng HIV thường quy trong theo dõi điều trị ARV; triển khai quản lý, theo dõi bệnh nhân đảm bảo duy trì điều trị, đặc biệt đối với các trường hợp chuyển tuyến điều trị qua bảo hiểm y tế.