Cập nhật: Thứ hai 21/08/2017 - 08:55
Khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên hiện nay.
Khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên hiện nay.

T.P Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh và cũng là trung tâm giao lưu của các tỉnh trong khu vực. Thời gian qua, diện mạo đô thị Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, mang dáng dấp của đô thị hiện đại. Tuy nhiên, xét một cách cặn kẽ thì T.P Thái Nguyên còn có những hạn chế nào trong phát triển đô thị và có bản sắc riêng mang đặc trưng vùng miền hay không? Để góp phần tìm câu trả lời, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề này.

P.V: Được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn, ông có thể đánh giá những thành tựu đạt được trong phát triển đô thị T.P Thái Nguyên hiện nay?

Ông Hoàng Đức Khánh: Thành tựu trong phát triển đô thị T.P Thái Nguyên những năm qua là rất lớn. Minh chứng rõ nhất là từ năm 1996 T.P Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, năm 2002 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và năm 2010 được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để được công nhận những tiêu chuẩn đó thì các tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị T.P Thái Nguyên đều đảm bảo.

P.V: Những hạn chế trong phát triển đô thị T.P Thái Nguyên là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Khánh: Bên cạnh những thành tựu thì phát triển đô thị T.P Thái Nguyên còn có những hạn chế là đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết còn chậm; việc điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch còn diễn ra ở nhiều địa phương; tỷ lệ đất cây xanh công viên, bãi đỗ xe chỉ đạt mức tối thiểu so với quy chuẩn xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của đời sống cộng đồng dân cư đô thị; cây bóng mát, cây cảnh quan đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại; một số tuyến phố thực hiện trật tự, mỹ quan đô thị chưa tốt; hệ thống thoát nước của đô thị chưa đồng bộ...

P.V: Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế này là gì?

Ông Hoàng Đức Khánh: Cái chính là nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế; thành phố được xây dựng, phát triển trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũ; tốc độ đô thị hoá cao; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đô thị; mục tiêu của một số nhà đầu tư khác với định hướng quy hoạch đã được phê duyệt dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch; ý thức của một bộ phận cư dân đô thị chưa cao...

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, T.P Thái Nguyên có đặc thù của vùng trung du miền núi, việc phát triển đô thị cần giữ bản sắc vùng miền, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Ông Hoàng Đức Khánh: Lâu nay, chúng ta đã bàn nhiều về “bản sắc kiến trúc đô thị”, cụm từ này đã dần trở thành một khái niệm khá trừu tượng vì có nhiều cách hiểu, lý giải và nhận xét,đánh giá rất khác nhau. Với T.P Thái Nguyên là đô thị nằm trong vùng trung du miền núi Bắc bộ mang một số nét đặc thù có đồi thấp kiểu “đồi bát úp” nằm xen với các dải ruộng lúa hẹp theo lưu vực sông Cầu; có 8 dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng sinh sống... nên việc phát triển đô thị cần giữ bản sắc vùng miền.

P.V: Theo đánh giá của ông, thì phát triển đô thị T.P Thái Nguyên trong những năm qua có bản sắc riêng hay không?

Ông Hoàng Đức Khánh: Qua chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển cùng với các đô thị trong cả nước, đô thị T.P Thái Nguyên đã đạt được thành tựu to lớn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất và lượng; từng bước xây dựng không gian đô thị tiện nghi, xanh, sạch, đẹp, có nếp sống văn minh, an toàn. Hiện nay, theo đánh giá của tôi thì đô thị T.P Thái Nguyên vẫn đang từng bước xây dựng bản sắc riêng cho mình.

P.V: T.P Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, ông có tham mưu gì để thành phố phát triển xứng tầm với vị trí đó, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Khánh: Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số chương trình nhằm tăng cường công tác quản lý quy hoạch kiến trúc - phát triển đô thị, trật tự và mỹ quan đô thị. Hiện nay, chúng tôi đang là cơ quan thường trực ban chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đô thị hai bên bờ sông Cầu, T.P Thái Nguyên. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, rà soát tham mưu với UBND tỉnh một số nội dung thuộc dự án Khu du lịch hồ Núi Cốc. Đây là 2 dự án lớn, quan trọng thực hiện trong thời gian dài, đóng vai trò là nền tảng cho chương trình phát triển đô thị T.P Thái nguyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Với tầm quan trọng đó, đòi hỏi chúng tôi phải luôn phát huy tính sáng tạo, chủ động trong công tác tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Quốc Khánh
(Thực hiện)