Cập nhật: Thứ năm 24/08/2017 - 08:20

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2017, Bộ Y tế sẽ triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (như: Điện Biên, Nghệ An, Sơn La) và năm 2018 tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân (tại các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu).

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tổ chức điều trị Buprenorphine lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có; thiết lập mạng lưới mới tại những địa bàn chưa triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (như: cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và cấp phát thuốc qua hệ thống nhân viên y tế thôn bản).

Buprenophin là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Liều thấp được sử dụng để điều trị đau cấp và mạn tính; liều cao được sử dụng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp.Thời gian bán hủy (khoảng thời gian để nồng độ thuốc giảm xuống) kéo dài từ 20-73 giờ nên thời gian tác dụng của thuốc sẽ lâu hơn. Do đó, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho một tuần và hầu như không gây tăng dung nạp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nên sử dụng song song 2 thuốc Methadone và Buprenorphine trong điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện. Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Thuốc Buprenorphine được sử dụng để điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại các nước như: Pháp (năm 1995), Úc ( năm 2000), Hoa Kỳ (năm 2009); đồng thời được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005.

Cả 2 loại thuốc (Methadone và Buprenorphin) đều có hiệu quả tương tự khi sử dụng để điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện; giúp giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị; giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu (như: HIV, viêm gan); thúc đẩy, hỗ trợ người bệnh tham gia và tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV). Hiệu quả điều trị tăng cao khi có kèm theo các hỗ trợ tâm lý.

Tuy nhiên, Methadone là chất đồng vận toàn phần, có nguy cơ quá liều và phải uống thuốc hàng ngày. Trong khi đó, Buprenorphine là chất đồng vận bán phần giúp giảm nguy cơ quá liều, uống thuốc cách nhật và ít có tương tác với các thuốc điều trị HIV (như thuốc ARV). Tuy vậy, Buprenorphine có giá thành đắt hơn Methadone nhưng vì những hiệu quả điều tri, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh vẫn triển khai điều trị Buprenorphine để bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế có thêm lựa chọn.

Trước đó, Suboxone trong thành phần có Buprenophin đã được triển khai thí điểm tại 2 thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả cho thấy: Người tham gia uống Suboxone đã giảm đáng kể việc sử dụng heroin, nhất là trong 3 tháng đầu điều trị; tỷ lệ duy trì điều trị là 94,3%...

T.H