Bà Nguyễn Thị Dím, ở xóm Khe Đù, ngưng tay hái những chùm nhãn cuối vụ, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: “Gia đình tôi có khoảng 1ha cây ăn quả, mùa nào thức ấy, hè thì có nhãn, thanh long, cuối năm bán bưởi, chuối... Sản phẩm hoa quả thu hái đến đâu có thương lái đến tận vườn thu mua, không lo hỏng hay phải dùng thuốc bảo quản. Gia đình tôi có cơ ngơi đàng hoàng như ngày hôm nay là đều nhờ vào cây ăn quả. Tổng thu nhập mỗi năm đạt trên dưới 100 triệu đồng”.
Đứng ở sân nhà bà Dím, chúng tôi có thể phóng tầm mắt ra bốn bề, tứ phía, ngắm nhìn những vườn cây trái sum suê xanh tốt, thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng, nhà mái tôn, mái ngói đỏ tươi... Xóm Khe Đù có hơn 90 hộ dân thì 100% số hộ có vườn cây ăn quả với tổng diện tích trên 200ha. Bức tranh làng quê trù phú, thanh bình, khiến lòng người trở lên nhẹ nhàng, thư thái.
Anh Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận tự hào nói: Đến Phúc Thuận giờ khó nhìn thấy một vuông đất trống. Người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng về đất đai để trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả... phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, người dân đã trồng mới được hơn 100ha rừng; 24ha chè; 30ha bưởi Diễn và cam Vinh... Xã cũng đã xây dựng được 10ha mô hình chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân; cung ứng giống, phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân; thường xuyên quản lý, kiểm tra và tu sửa các công trình hồ đập, phát huy tốt hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nhờ có sự định hướng, quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân ở Phúc Thuận đã biết lựa chọn cho mình cách làm ăn phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Khác với bà Dím, anh Ngô Xuân Cường, ở xóm 7, không trồng cây ăn quả mà dành hơn 1ha đất của gia đình để trồng chè cành giống mới. Gia đình anh vừa đầu tư hơn 60 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới chè bằng van xoay. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm, gia đình anh thu hái 7 lứa chè, năng suất trung bình đạt hơn 30kg chè búp khô/sào. “Từ sản xuất chè, gia đình tôi mới có điều kiện mua sắm những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, chăm lo cho các con ăn học, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống”. - Anh Cường cho biết.
Cuộc sống của người dân Phúc Thuận đã, đang từng bước được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần, toàn xã chỉ còn 270/3.553 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm 7,6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 32,14 triệu đồng/người/năm. Khi gánh nặng về nỗi lo cơm, áo đã phần nào vơi nhẹ, bà con dần nâng cao ý thức đóng góp công sức, tiền của cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm gần đây, các tuyến đường vào xóm Tân Ấp 1, Đồng Đèo, Bãi Hu, Hang Dơ... đã được mở rộng, đổ bê tông; 11 nhà văn hóa ở các xóm như Chãng, Khe Đù, Hồng Cốc... đã được xây mới; 10 nhà văn hóa khác đang được sửa chữa khang trang, sạch đẹp; 10 điểm thu gom rác thải rắn chuẩn bị được xây dựng... Xã Phúc Thuận đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu về “đích” cuối năm nay. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân đồng tình ủng hộ, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, toàn xã có 7/7 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Trước khi chia tay, ông Nguyễn Đức Tấn, Bí thư Đảng ủy xã nắm chặt tay chúng tôi và nói lời tâm huyết: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Phúc Thuận nhận thức sâu sắc về những thời cơ thuận lợi, khó khăn, thách thức trong chặng đường tiếp theo, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo Nghi quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015- 2020) đã đề ra, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển nguồn nhân lực; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Mặt trời xuống núi, chúng tôi cho xe chạy chậm qua những khu vườn cây ăn quả, lòng phấn chấn niềm tin vững chắc, Phúc Thuận sẽ còn tiến những bước dài trong phát triển kinh tế - xã hội khi người nông dân chọn được hướng làm ăn phù hợp; khi cấp ủy, chính quyền có sự định hướng đúng đắn, chỉ đạo sát sao.