Cập nhật: Thứ tư 13/09/2017 - 10:41
Gai đình anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ Đồng Tâm là một trong những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế ở xã Động Đạt (Phú Lương).
Gai đình anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ Đồng Tâm là một trong những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế ở xã Động Đạt (Phú Lương).

Tính đến thời điểm này, Đảng bộ huyện Phú Lương đã hoàn thành việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép. Đây là kết quả sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy các cấp cộng với việc vận dụng phù hợp thực tế ở mỗi địa phương. Việc chia tách, thành lập chi bộ mới đi đôi với củng cố, phát triển đảng viên đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tháng 3 vừa qua, Chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt được thành lập trên cơ sở tách ra từ Chi bộ Khe Nác - Đồng Tâm. Số đảng viên ban đầu là 5, trong đó có tới 3 người không phải là công dân của xóm. Anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ giải thích: Trước đây, do không đủ số lượng đảng viên nên chúng tôi phải sinh hoạt ghép hai xóm, địa bàn rộng nên rất bất tiện. Chưa kể mỗi xóm lại có đặc thù khác nhau nên khi xây dựng nghị quyết lãnh đạo thường không sát. Để đảm bảo điều kiện chia tách, Đảng ủy xã Động Đạt đã phân công 2 cán bộ xã và 1 đảng viên ở Khe Nác xuống sinh hoạt tại Đồng Tâm. Tuy không phải người ở xóm nhưng việc phân công này rất hợp lý.

Anh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng văn hóa - xã hội, cũng là Đảng ủy viên được giao phụ trách Chi bộ nên nắm rõ địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông trong xóm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh Đỗ Viết Lâm, Trưởng Công an xã được giao nhiệm vụ đảm bảo về vấn đề an ninh - trật tự vì xóm có điểm nhóm Đạo Tin lành. Trong khi đó, anh Bùi Văn Dương là người Khe Nác nhưng hầu hết vườn bãi lại ở Đồng Tâm. Nhờ vậy nên mặc dù mới thành lập nhưng Chi bộ hoạt động tốt, công việc rất “trôi” và mọi chủ trương đều được bà con hưởng ứng. Chi bộ xóm còn bồi dưỡng và chuẩn bị kết nạp Đảng cho một quần chúng ưu tú là anh Sầm Văn Giàng.

Cũng thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên xuống sinh hoạt tại những địa bàn yếu, từ đầu năm đến nay, Đảng bộ xã Phú Đô đã chia tách, thành lập được 4 chi bộ mới gồm: Phú Bắc, Phú Nam 2, Phú Nam 3 và Phú Nam 8. Ông Trần Trung Tốn, Bí thư Đảng ủy xã nói: Với những chi bộ ít đảng viên hoặc hoạt động yếu, chúng tôi phân công cán bộ xã nhưng là công dân ở xóm chuyển từ Chi bộ Cơ quan về sinh hoạt. Cụ thể, anh Nguyễn Bến Giáp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã về Chi bộ Núi Phật; anh Ninh Văn Mạnh, Trưởng Công an xã về Làng Vu 2; anh Phùng Bá Tín, Chủ tịch Hội Nông dân và chị Phùng Thị Tơ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã về Phú Nam 3. Ngoài ra, để đủ điều kiện về số lượng để thành lập chi bộ, Đảng ủy phân công đảng viên ở xóm lân cận sang sinh hoạt cùng. Đây không đơn thuần là lựa chọn “cơ học” mà phải là những người có năng lực, uy tín và hiểu biết thực tế địa bàn mình chuyển đến. Anh Đào Bá Lưu, Bí thư Chi bộ xóm Phú Nam 8 chia sẻ: Tháng 3 vừa rồi tôi được phân công từ Chi bộ Ao Cống sang Chi bộ Phú Nam 8 sinh hoạt và giữ chức Bí thư. Ban đầu việc lãnh đạo, chỉ đạo gặp một số vướng mắc do nắm địa bàn và các đoàn thể chưa chắc, bà con cũng chưa thật sự tin tưởng vì không phải người ở xóm. Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi thứ đã vào guồng nên thuận lợi hơn. Chỉ chưa đầy nửa năm, Chi bộ Phú Nam 8 đã tạo nguồn kết nạp Đảng được 2 quần chúng ưu tú là anh Nguyễn Văn Quang, Thôn đội trưởng và chị Nguyễn Thị Xuân, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm.

Bà Lê Thị Thúy Nguyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương cho biết: Rà soát, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép đi đôi với củng cố sau chia tách được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở Phú Lương. Một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện tập trung thực hiện là phân công cán bộ, đảng viên về sinh hoạt ở những địa bàn yếu và thiếu về số lượng. Về cách làm, bà Nguyên nói: Chúng tôi không chạy theo thành tích mà chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc lựa chọn kỹ những người có đủ năng lực và uy tín. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những cán bộ, đảng viên được phân công còn phải giúp đỡ cơ sở tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Việc phân công cũng không mang tính tuyệt đối, vì khi chi bộ phát triển đủ về số lượng, hoạt động ổn định thì Đảng bộ cấp trên sẽ thực hiện luân chuyên đảng viên trở về nơi sinh hoạt ban đầu. Với cách làm như vậy, từ năm 2015 tới nay, Đảng bộ huyện Phú Lương đã chia tách, thành lập mới được 12 chi bộ, hoàn thành sớm mục tiêu xóa chi bộ ghép ở cơ sở đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Có một kết quả đáng ghi nhận là hầu hết các chi bộ chia tách và thành lập mới của Đảng bộ huyện Phú Lương đều được đánh giá là hoạt động tốt, góp phần nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhị Hà