Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính có 4.099 trẻ được cứu không nhiễm HIV từ mẹ trong vòng 7 năm trở lại đây (2010-2016). Phân bố số trẻ được cứu không nhiễm HIV từ mẹ qua các năm (tính theo phương án dựa trên báo cáo số phụ nữ sinh con hằng năm và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không được can thiệp là 30%).
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 328.347 phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV, chiếm 88% tổng số phụ nữ mang thai sinh con trong cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm, có 897 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Có 811 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và 803 trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV.
Cũng trong vòng 6 tháng, khi xét nghiệm 561 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV bằng phương pháp PCR, chỉ phát hiện 20 trẻ dương tính với HIV (chiếm 3,6%). Những con số trên cho thấy, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em phối hợp chặt chẽ, triển khai các hoạt động từ truyền thông, dự phòng đến cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc cho mẹ và con ở cơ sở y tế các tuyến thông qua quy chế phối hợp. Từ quy chế phối hợp này, chức năng, nhiệm vụ của các bên đã được xác định rõ và triển khai một cách thống nhất, hiệu quả.
Các hướng dẫn chuyên môn đều phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Việc lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản giúp tư vấn xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV sớm hơn, việc điều trị và chăm sóc, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tốt hơn.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con khi chưa tiến hành các can thiệp dự phòng là rất cao. Nếu người mẹ được điều trị bằng thuốc ARV sớm thì sẽ có trên 97 trong số 100 trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV. Ngược lại, nếu người mẹ không được điều trị ARV, hoặc điều trị ngắt quãng thì sẽ chỉ có 50 đến 75 trẻ không bị nhiễm HIV.
Chính vì hiệu quả cao và tính nhân văn sâu sắc, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được các địa phương quan tâm triển khai trên phạm vi cả nước. Từ việc truyền thông để tăng hiểu biết của người dân đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị, chăm sóc cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ.