Sở dĩ vấn đề CCHC được nhắc đến nhiều là bởi năm 2016, Thái Nguyên chỉ đạt 69,03 điểm, nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng Par Index. Đây là áp lực rất lớn đối với tỉnh trong năm 2017 và những năm tới nếu không muốn chỉ số này tiếp tục bị tụt hạng. Tại một phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo các ngành, địa phương đều thể hiện quyết tâm sẽ cải thiện nền hành chính công. Đáng chú ý, ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông còn mạnh dạn cam kết sẽ có phương án khả thi để nâng tới 4 điểm cho tỉnh về CCHC trong năm 2017. Về nội dung này, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần đề ra giải pháp tối ưu nhất, triển khai những hành động cụ thể nhất. Đồng chí nhấn mạnh: Không được xem nhẹ CCHC vì đây là yếu tố phát triển quan trọng của mỗi địa phương. Đồng chí cũng lưu ý cần nâng cao chất lượng thực sự của nền hành chính chứ không chỉ để giải quyết vấn đề hình thức...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, để cải thiện chỉ số Par Index, quyết tâm chính trị thôi là chưa đủ mà cần có những việc làm cụ thể. Theo đề xuất, tỉnh sẽ thành lập các đoàn công tác để kiểm tra việc thực hiện CCHC từ 30% số cơ quan, đơn vị trở lên, trong đó tập trung số 1 là kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tiến hành đơn giản hóa các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, đồng thời minh bạch, công khai cho người dân được biết. Sẽ chấn chỉnh ngay thái độ làm việc của cán bộ bộ phận tiếp dân, từ đó tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước…
Một trong những hành động cụ thể hóa quyết tâm CCHC của tỉnh chính là triển khai thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện. Hiện tại, Thái Nguyên đang áp dụng tới 1.489 TTHC trên cả 3 cấp, trong đó cấp tỉnh chiếm phần lớn. Số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông là 170 ở các lĩnh vực như đất đai, đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xác nhận lý lịch tư pháp, đầu tư, chính sách xã hội, đăng ký kinh doanh... Tuy nhiên, do thực hiện cơ chế một cửa liên thông còn hình thức, thiếu tính tập trung đầu mối nên vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Do đó việc sớm ra đời Trung tâm Dịch vụ hành chính cấp tỉnh, huyện sẽ tạo lập đầu mối quản lý chung, vận hành thống nhất, thông suốt, giúp giải quyết nhanh các hồ sơ TTHC. Qua đây, các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ được cải tiến công việc theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, tách hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức và cá nhân. Cùng với đó còn giúp cải thiện cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính; phát huy tối đa sự giám sát của nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính... Phấn đấu sẽ hoàn thành việc thành lập Trung tâm trong năm 2017 này.
Theo ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ, để cải thiện chỉ số Par Index thì cần khắc phục được tình trạng lơ là, thiếu quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu về CCHC. Chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát CCHC, tránh hình thức; xử lý hiệu quả các vấn đề tồn tại sau khi phát hiện. Xem xét trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết các TTHC ở một số nơi có kỷ luật chưa cao. Không sử dụng các trường hợp cán bộ hợp đồng lao động, chưa đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm làm công tác giải quyết TTHC. Mặt khác, cần tăng cường hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị còn yếu; chú trọng xây dựng đề án vị trí việc làm, khung năng lực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan trong tỉnh vì thực tế việc triển khai Chính phủ điện tử ở nhiều đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, phải nhanh chóng xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, để giải quyết trực tuyến hồ sơ của các tập thể, cá nhân.