Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã giảm, nhưng giảm chưa sâu, chưa ổn định. Có sự gia tăng khá nhanh số người nhiễm HIV ở nhóm đồng tính nam. Trong đó, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục; đặc biệt là trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp do quan hệ tình dục tập thể, tình dục không an toàn.
Theo thông báo từ các tổ chức quốc tế như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, Dự án ADB… nguồn viện trợ cho hoạt động phòng chống AIDS của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, do đó nguồn kinh phí sẽ chỉ còn trông chờ vào ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, quỹ Bảo hiểm y tế, thu phí… Hiện nguồn ngân sách Trung ương và tại nhiều địa phương khá hạn hẹp. Vẫn còn 9 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch và kinh phí cho đề án phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030 là Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Bình Phước.
Trước mắt, để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được liên tục, Cục Phòng chống HIV/AIDS yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn các Phòng khám HIV/AIDS, mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc ARV…
Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (UNAIDS) cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều dùng tài chính công để đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS, do đó Việt Nam cần tăng đầu tư, đầu tư sớm và thỏa đáng cho công tác phòng chống HIV/AIDS, nếu không nguy cơ dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.