Càng đi sâu vào các xóm gần chân dãy núi Tam Đảo, như Tân Tiến, Vạn Thành, Dốc Vụ, chúng tôi càng cảm nhận rõ nét hơn sự thanh bình, trù phú của vùng đất đồi bãi ở xã Quân Chu. Sự trù phú ấy không phải nghiễm nhiên mà có được. Xã có 19 xóm, trên 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu. Địa hình ở đây chủ yếu là núi cao, kế tiếp là những quả đồi bát úp nối nhau, ruộng canh tác ít và manh mún, xen kẹp giữa các dãy núi. Vì thế trước đây, bà con chủ yếu chỉ trồng rừng và giống chè trung du nên thu nhập thấp, xã thuộc diện khó khăn nhất, nhì huyện.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, diện mạo của vùng đất Quân Chu đã có sự đổi thay rõ rệt khi những vườn cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm này, các vườn bưởi trên địa bàn xã đang chuẩn bị cho thu hoạch, cây nào cũng có tới vài trăm quả. Bưởi ở đây hầu hết là giống bưởi Hoàng Trạch (bà con thường gọi là bưởi Hoàng), có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên. Giống bưởi này có đặc điểm là năng suất cao, có vị ngọt mát, mọng nước. Có lẽ vì thế mà người dân vẫn thường nói đây là loại bưởi dùng để tiến Vua thời xưa.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi của gia đình, ông Nguyễn Xuân Lưu, ở xóm Tân Tiến 1 vui vẻ cho biết: Chừng mươi ngày nữa là vườn bưởi này được thu hoạch rồi. Cách đây chừng 1 tháng chúng tôi cũng vừa mới thu hoạch vụ nhãn. Cứ đến lúc thu hoạch thì cả xóm tôi như hội, nhà nhà tập trung hái quả, trên con đường độc đạo vào xóm, xe tải vào ra liên tục để vận chuyển quả đem giao bán. Năm ngoái được mùa, nhãn nhà nào cũng nhiều quả, tôi bán được trên 180 triệu đồng từ nhãn. Nhưng năm nay do thời tiết không thuận nên nhiều cây thưa quả, vườn nhãn của gia đình thu được hơn 3 tấn quả, bán được trên 70 triệu đồng. Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên ở đây bỏ chè để trồng cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả của gia đình có 2ha với các loại cây như: Nhãn, bưởi, cam, chuối, quất được trồng xen kẽ.
Việc trồng xen các loại cây ăn quả của gia đình ông Lưu cũng giống với cách làm của hầu hết các hộ dân ở đây. Thường thì bà con trồng xen nhãn với cam, bưởi, quất… nhằm tiết kiệm diện tích, chăm sóc dễ dàng. Ông Đặng Huy Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Sau khi thu hoạch nhãn xong là bà con bắt tay vào bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây, rồi quay sang thu hoạch bưởi Hoàng Trạch, sau vụ bưởi là cam vinh vừa chín, bưởi diễn và cam canh được thu hoạch cuối cùng trong năm, riêng cây quất cho thu hoạch quanh năm. Các loại cây ăn quả ở đây chủ yếu là: Nhãn, bưởi diễn, bưởi hoàng trạch, cam vinh, cam canh, chuối tây…
Quá trình phát triển cây ăn quả ở Quân Chu đầu tiên phải kể đến cây nhãn, nhãn bén rễ ở đây từ khá sớm, vào khoảng năm 1980, một số hộ dân tỉnh Hưng Yên lên đây làm kinh tế mang theo cả những kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nhãn lồng quê hương lên áp dụng vào đồng đất Quân Chu. Thế nhưng cây nhãn mới thực sự phát triển mạnh mẽ cách đây 5 năm. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng nhãn, bà con ở đây đồng thời đưa nhiều loại cây khác về trồng.
Nhận thấy, các loại cây ăn quả rất phù hợp với đất đồi bãi ở đây, ngoài ra trồng cây ăn quả không tốn nhiều công chăm sóc, trồng một lần và cho thu hoạch nhiều năm, điều quan trọng là hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa, trồng chè… nên nhiều hộ dân lần lượt phá bỏ những diện tích chè hạt lâu năm già cỗi, năng suất thấp để đưa các loại cây ăn quả vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Xã cũng đã quy hoạch riêng một vùng để phát triển các loại cây ăn quả nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất bán các loại trái cây, đồng thời hằng năm tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, toàn xã có gần 100ha cây ăn quả các loại, tập trung nhiều nhất ở xóm Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Chiểm 1, Chiểm 2, Vạn Thành, Hòa Bình, Dốc Vụ.
Nhờ sự chuyển đổi cây trồng này, các hộ nông dân đạt thu nhập từ vài trăm triệu/năm không còn là hiếm ở Quân Chu, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Xóm Tân Tiến 1 có 55 hộ thì cả 55 hộ đều trồng cây ăn quả, hộ ít thì chục gốc nhãn, vài cây bưởi, cộng với cam, quất… hộ nào nhiều thì đến vài ha. Ở đây, khó có thể tìm ra một khoảng đất trống, chỗ nào có thể trồng được bà con đều trồng cây ăn quả. Hiện nay, xóm có khoảng 20ha cây ăn quả, không có diện tích trồng lúa, chè chỉ còn 6ha.
Cũng nhờ trồng cây ăn quả nên gia đình anh Nguyễn Quang Tuấn mới có thể thoát nghèo. Anh Tuấn tâm sự: Năm 1999 tôi lấy vợ ra ở riêng và được ông bà cho 7.000m2 đất vườn đồi, chủ yếu là trồng chè trung du, năng suất thấp, bán chẳng được bao nhiêu, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Năm 2007, tôi thấy một số hộ trong xóm trồng cây ăn quả cho thu nhập khá, tôi đánh liều phá bỏ 3.000m2 chè để lấy giống nhãn, bưởi về trồng. Vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sau 3 năm diện tích cây này đã cho quả, vụ đầu với gần 1 vạn quả bưởi Hoàng Trạch, bán được 100 triệu đồng đã cho tôi niềm tin vào hướng đi mới này. Từ đó, tôi mở rộng ra toàn bộ diện tích đất còn lại, đồng thời mua thêm 1.000m2 đất nữa để trồng cây ăn quả. Ngoài nhãn, bưởi, tôi trồng thêm cam vinh, hiện nay toàn bộ diện tích này đều đã cho thu quả, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng, nhờ đó gia đình tôi không những thoát nghèo mà kinh tế đã vững vàng, có của ăn, của để.
Chỉ khoảng chục ngày nữa là bà con ở đây lại được thu hoạch một vụ bưởi nữa. Năm nay bưởi được mùa, cây nào cũng sai quả. Dẫn chúng tôi đi dưới những tán cây bưởi lúc lỉu quả của gia đình, anh Hoàng Văn Cố, Trưởng xóm Tân Tiến 1 kể cho chúng tôi nghe chuyện về quá trình cải tạo những vạt chè khô cằn thành những vườn cây xum xuê hoa trái, bốn mùa cho trái ngọt, cái ngọt kết tinh từ sự chịu khó học hỏi, cần cù lao động của người nông dân xã Quân Chu. Rồi câu chuyện về tháng nào bón thúc, tháng nào tỉa cành, chiết ghép để có mùa bưởi sai trái, ngon ngọt. Cây bưởi không kén đất nhưng để cây cho trái sai, ngọt, đòi hỏi người trồng bưởi phải cần mẫn theo dõi từng diễn biến quá trình phát triển, đơm hoa, kết trái, không sao nhãng.