Chị bảo: Tôi biết mình khó tránh được căn bệnh này, nhưng buốt lòng lắm, bởi vạn sự đều do ông chồng ham vui, rước bệnh về nhà… Chị cúi mặt giấu giọt nước mắt chực rơi trên đôi gò má nám đen. Chị sinh vào ngày Rằm tháng Bảy, các cụ bảo tháng “cô hồn”, số người thiếu may mắn. Chị không tin vào số phận, cứ hồn nhiên như bao thôn nữ trong vùng. 22 tuổi, chị lên xe hoa. Chồng là người cùng xã, chênh hơn hai tuổi, chịu khó lao động.
Thường ngày chồng trước, vợ sau, khi lên đồi hái chè, lúc đi làm ruộng. Vợ chồng quấn quýt, tình cảm khó xa. Sau ngày cưới bốn năm, vợ chồng chị có hai mặt con. Trai lớn tên Tuấn, gái em tên Hoa. Vì ruộng ít không đủ thóc nuôi nhau, anh Tuyền (chồng chị) phải đi làm tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Hằng tháng anh đều đặn gửi tiền lương về cho chị nuôi con. Vợ chồng xa cách, nhưng êm đềm, hạnh phúc, hai bé Tuấn, Hoa mau ăn, mau lớn, đã biết giúp đỡ mẹ việc quét dọn nhà. Anh Tuyền nhấp ngụm trà, thở dài làm câu chuyện cắt ngang: Nếu tôi biết giữ mình thì đâu nên nỗi. Giây lát dừng lời, anh tiếp tục câu chuyện: Xa nhà, xa vợ con, trong túi có tí tiền, tuổi lại trẻ nên ham vui bạn bè. Tôi bắt đầu làm quen với ma túy, rồi nghiện. Đau đớn hơn nữa là không biết mình bị lây nhiễm HIV từ khi nào, từ ai. Tôi bị đuổi việc, và mang căn bệnh chết người này về cho vợ mình mà không hề hay biết.
Nhìn vóc dáng còm cõi của chồng, chị giận lắm, nhưng vì các con, chị quyết tâm cai nghiện cho anh. Chị kể: 10 năm (2004-2013) tôi 12 lần cai nghiện cho chồng, nhưng chứng nào tật ấy, cứ trong túi có tiền là “hắn” tìm đến ma túy. Cuối năm 2013, tôi bị đi ngoài, uống thuốc cả tuần bệnh không chuyển, sút hơn chục cân, người như xác ve. Tôi biết mình đã bị lây HIV từ chồng. Tôi giận chồng, song thương các con còn nhỏ, không nỡ quyên sinh.
Rồi “Thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất cho mọi vết thương lòng”. Chị bảo: Biết có HIV là “mang án tử” nên tôi thường xuyên động viên chồng, sống một ngày cũng phải sống có ích. Hơn thế, sống để yêu thương, chứ không phải vì yêu thương mà sống… Chợt chiếc điện thoại đặt góc bàn cất lên đoạn nhạc Lambada sôi động làm gián đoạn câu chuyện. Tôi nghe được từ phía đầu dây bên kia, tiếng sụt sịt kể lể của một người phụ nữ. Chị nói: Bình tĩnh em ơi… đừng nhé, cuộc đời đẹp lắm, chị còn khổ hơn em cả vạn lần đấy.
Chị cúp máy và giải thích về cuộc điện thoại: Có trường hợp phát hiện HIV đang đòi tự tử… Anh biết không, hầu hết những người mới đều nghĩ đến việc chết. Nhưng chết đâu có dễ, vì có nhiều mối quan hệ ràng buộc, như bố, mẹ, anh, em, bè bạn. Em không liều thân cũng vì những ràng buộc tình cảm, thậm chí phải sống tốt mỗi ngày để mọi người trong xã hội hiểu, cảm thông và sẻ chia với những người có HIV.
Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết, sau cú sốc tinh thần, chị trở thành một con người khác. Chị sống mạnh mẽ, nhiệt tình với những người cùng cảnh. Chị khéo léo sắp xếp công việc nhà để đến với “điểm nóng”, tức là lúc các mẹ, các chị gọi điện, tố chồng, con tụ bạn sử dụng ma túy. Nhiều người nghiện đến mất nhân tính, nhưng lại nghe lời khuyên của chị, bỏ dần ma túy để hòa nhập cộng đồng. Tuy đời sống riêng còn chưa hết khó khăn, song chị luôn sẵn lòng giúp đỡ người đồng cảnh, như cho vay chút tiền mua phân bón lúa, hoa màu; mua cám chăn lợn, hoặc bày cách phát triển sản xuất, tham gia làm dịch vụ mua bán xóa đói, giảm nghèo. Là thành viên nòng cốt Câu lạc bộ “Hướng tới tương lai”, chị hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có HIV. Tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, tránh phân biệt, kỳ thị, làm thay đổi ý nghĩ của mọi người. Chị tâm sự: Lời kỳ thị đau hơn dao cắt vì người có HIV, tất cả đều là những con người, đều cần được tôn trọng, yêu thương.
Tình yêu thương của con người dành cho con người là phương thuốc hữu hiệu xoa dịu bao nỗi đau đời, giúp bao người vươn lên từ bóng tối. Chị là một phụ nữ nghị lực. Tôi nghĩ như thế vì chị đang hằng ngày đóng góp công sức của mình trong việc kiềm chế, giảm những bất ổn về tình hình an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội, làm giảm nguy cơ lây nhiễm căn bệnh HIV trong cộng đồng. Bởi lẽ ấy chị được người dân trong vùng quý mến. Nhiều người coi chị là tấm gương sáng trong công tác phòng, chống căn bệnh HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)