Cập nhật: Thứ hai 15/01/2018 - 11:10
Lực lượng quản lý thị trường huyện Định Hóa kiểm tra hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Ảnh: T.L
Lực lượng quản lý thị trường huyện Định Hóa kiểm tra hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Ảnh: T.L

Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp phòng, chống buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhưng “cuộc chiến” xem ra vẫn chưa có hồi kết và còn lắm gian nan. Đặc biệt, dịp Tết nguyên Đán sắp tới, diễn biến của nạn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả càng đáng lo ngại hơn. Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường.

P.V: Xin ông cho biết tình trạng buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Tiến: So với năm 2016, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu ở các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đã giảm về số vụ vi phạm, nhưng còn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. Các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách đối với cư dân biên giới, chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được chặt chẽ, cho nên các đối tượng vận chuyển, kinh doanh đã đưa hàng nhập lậu vào lưu thông trên thị trường gây không ít khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Về gian lận thương mại, chủ yếu vẫn là kinh doanh hàng hóa đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đủ nội dung bắt buộc theo quy định… Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng so với năm 2016; đặc biệt, xuất hiện nhiều hơn việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, thực phẩm chức năng, gây nguy hại đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa như các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng...

P.V: Những mánh khóe mà các đối tượng thường trốn tránh, lừa gạt cơ quan chức năng, người tiêu dùng là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tiến: Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, nhái các thương hiệu nổi tiếng như: quần áo, giày dép Nilke, Adidas; đồ thời trang Louis Vuitton, Gucci, nước hoa, mỹ phẩm Lancome; điện thoại di động Samsung, Apple... được thẩm lậu vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Thậm chí hiện nay, nhiều đối tượng vi phạm còn lợi dụng  Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đã đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để nhập lậu, đưa vào tiêu thụ trong nước như: bóng đèn sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông của Việt Nam. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, thay đổi phương tiện chuyên chở và thường đi vào ban đêm gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý…

P.V: Qua thông tin từ quần chúng nhân dân cho biết thì hiện nay có khá nhiều đối tượng vận chuyển hàng điện tử (hàng giả, hàng nhái) từ Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đi theo Quốc lộ 1B qua địa bàn Thái Nguyên về Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ông có nắm được thông tin này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tiến: Thông tin đó chúng tôi có nắm được và đã chỉ đạo các đội quản lý địa bàn tổ chức triển khai kiểm tra, rà soát.

P.V: Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý được bao nhiêu vụ buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tiến: Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, trong năm 2017, chúng tôi đã kiểm tra 1.947 vụ, xử lý 1.585 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tổng tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng tiêu hủy trên 4,6 tỷ đồng.

P.V: Tết nguyên Đán sắp tới, đây cũng là dịp để các đối tượng lợi dụng tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Vậy, lực lượng quản lý thị trường tỉnh sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tiến: Chúng tôi tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh xây dựng kế hoạch đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; thành lập đội kiểm tra liên ngành của tỉnh do lực lượng quản lý thị trường chủ trì tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm có thể xảy ra trên thị trường. Chỉ đạo các đội quản lý thị trường với trách nhiệm cơ quan thường trực ban chỉ đạo 389 ở địa phương làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và kinh doanh trái phép bằng nhiều biện pháp. Trong đó cần xác định địa bàn trọng điểm, làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình thị trường, nắm bắt thông tin để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các tác động xấu, những vấn đề nổi cộm có thể xảy ra. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, chỉ đạo của chính phủ, UBND tỉnh về công tác quản lý thị trường…

P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tiến: Người dân không tiếp tay tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không mua các loại hàng hóa không có địa chỉ rõ ràng, không đảm bảo quy định về ghi nhãn hàng hóa;  hi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trực tiếp báo cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương gần nhất hoặc gọi điện đến Số đường dây nóng của Quản lý thị trường 0913.286.048.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Quốc Khánh
(thực hiện)