Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Trong XDNTM, công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, thị xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến về nội dung, mục đích của Chương trình tới các tầng lớp nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, trên hệ thống loa phát thanh, pano áp phích... Cùng với đó, thị xã đã phối hợp với các địa phương phát động nhiều phong trào thi đua gắn với thực hiện các tiêu chí NTM; thành lập các câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, tổ tự quản bảo vệ môi trường, qua đó thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và đông đảo người dân. Xác định hạ tầng nông thôn phát triển sẽ góp phần cải thiện đời sống của bà con, trong năm qua, thị xã cũng đã ưu tiên, bố trí nguồn vốn để các địa phương thực hiện nội dung này. Theo đó, năm 2017, thị xã đã huy động được trên 270 tỷ đồng và phân bổ gần 20 nghìn tấn xi măng để các xã làm 78km đường giao thông nông thôn các loại; cải tạo, xây mới trên 30 công trình nhà văn hóa; xây mới, sửa chữa 2 trạm y tế xã…
Là một trong hai xã cán đích NTM năm 2017, xã Trung Thành là địa phương được thị xã đánh giá cao trong việc thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tại cơ sở. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn xã đã bê tông hóa và nhựa hóa được 7,4km đường trục xã; cứng hóa 16km đường trục xóm, liên xóm; xây dựng mới và sửa chữa trên 10 nhà văn hóa... Khi bắt tay vào XDNTM, xã đã tiến hành rà soát hạ tầng nông thôn của từng xóm để từ đó có kế hoạch ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư phù hợp. Trong quá trình xây dựng các công trình, người dân đều được bàn bạc, thống nhất, mọi khoản thu, chi đảm bảo công khai, minh bạch. Do đó, các công trình được thi công đúng tiến độ và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Văn Chín, hộ dân ở xóm Cẩm Trà cho biết: Nhà văn hóa xóm Cẩm Trà được xây dựng với diện tích 240m2, kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Mặc dù, số tiền thu đối ứng khá cao (800 nghìn đồng/ nhân khẩu), nhưng xác định đây là công trình đáp ứng nhu cầu của người dân nên các hộ đã sẵn sàng đóng góp theo quy định. Đặc biệt một số hộ, ngoài số tiền nộp đối ứng còn ủng hộ từ 1,5-2 triệu đồng để cùng xóm mua sắm loa đài, bàn ghế.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, năm qua, T.X Phổ Yên cũng đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình mẫu với từng ngành, lĩnh vực để nhân ra diện rộng. Trong năm 2017, thị xã đã hình thành và phát triển trên 10 mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm, điển hình như: mô hình trồng cây ăn quả tập trung tại xã Phúc Thuận, Minh Đức; mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Đông Cao; mô hình chăn nuôi gà hướng thịt tại xã Thành Công... Cùng với đó, các phòng, ban chuyên môn của thị xã đã tổ chức trên 200 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 10 nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn. Ngoài nguồn ngân sách của địa phương, thị xã đã lồng ghép có hiệu quả với nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ 1.366 hộ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền 57 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của các xã bình quân tăng từ 3-5 triệu đồng/người/năm.
Đơn cử như xã Phúc Thuận, từ một xã có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của thị xã khi bắt tay vào XDNTM, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,6%. Nói về quá trình XDNTM tại địa phương, ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Với lợi thế về đất đai, nguồn lao động, xã đã chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả, trồng rừng, trồng chè nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ tính riêng năm 2017, xã đã trồng mới được trên 30ha bưởi Diễn và cam Vinh, nâng diện tích trồng cây ăn quả tập trung của toàn xã lên khoảng 400ha... Cùng với cây chè, những năm gần đây, cây ăn quả đã trở thành nguồn thu chính, góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân xã Phúc Thuận ngày càng đi lên.
Từ sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong XDNTM, tính đến hết năm 2017, T.X Phổ Yên có 8 xã đạt chuẩn; 1 xã đạt 17 tiêu chí; 1 xã đạt 16 tiêu chí và 4 xã đạt từ 13-15 tiêu chí. Kết quả nổi bật mà Chương trình mang lại là cơ sở hạ tầng của các địa phương cơ bản được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn Thị xã đạt 46,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,6%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia và thông tin liên lạc... Với mục tiêu năm 2018 có thêm 2 xã là Minh Đức và Tiên Phong hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, hiện nay, thị xã đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi; tích cực đưa các cây, con, giống mới vào nuôi, trồng tại các địa phương nhằm nâng cao thu nhập...