Còn nhớ năm 2011, khi ngành Thuế Thái Nguyên bắt đầu triển khai việc kê khai thuế qua mạng internet theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, không ít kế toán và lãnh đạo DN còn khá dè dặt trong việc đăng ký tham gia, do họ đã quen với việc kê khai bằng giấy và trực tiếp đến cơ quan thuế nộp. Nhưng rồi, với sự vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, giải thích, thậm chí cả sự cương quyết của toàn ngành thuế, đến năm 2014, 100% DN trên địa bàn đã thực hiện việc kê khai thuế qua mạng. Và để duy trì được hoạt động này, ngành Thuế phải thường xuyên đôn đốc người nộp thuế (NNT) nộp tờ khai đúng hạn; thông báo việc nộp tờ khai thuế cho NNT theo quy trình; gửi thư ngỏ cho NNT mới ra kinh doanh về các loại tờ khai phải nộp; đồng thời xử phạt các trường hợp kê khai chậm, sai theo quy định. Nhờ vậy, ý thức chấp hành của NNT được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ tờ khai điện tử/số tờ khai phải nộp đạt 99%, trong đó tỷ lệ nộp đúng hạn đạt 98%.
Cùng với kê khai điện tử, cũng từ năm 2011, để chuẩn bị cho việc nộp thuế bằng hình thức điện tử, ngành Thuế Thái Nguyên đồng thời triển khai dự án hiện đại hóa thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) qua việc phối hợp với Kho bạc Nhà nước (NBNN) và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh để NNT tự lập bảng kê và trực tiếp lựa chọn ngân hàng để nộp thuế, thay vì trực tiếp đến KBNN nộp tiền như trước đó. Đến năm 2014, hầu hết NNT trên địa bàn tỉnh đã nộp thuế thông qua các ngân hàng. Điều này tạo ra nhiều thuận lợi không chỉ cho NNT mà cả cơ quan thuế và KBNN, thúc đẩy xu hướng kết nối và trao đổi thông tin dữ liệu thu NSNN giữa các cơ quan liên quan thông qua mạng điện tử, thay thế việc luân chuyển chứng từ báo cáo dữ liệu bằng giấy; việc thống nhất đối chiếu dữ liệu số đã thu NSNN giữa các bên với NNT vì thế cũng đầy đủ, kịp thời hơn.
Giữa năm 2015, ngành Thuế Thái Nguyên tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử theo lộ trình của Tổng cục Thuế. Trên cơ sở kết quả đạt được trong kê khai và công tác ủy nhiệm thu qua ngân hàng, đến cuối năm 2016, 100% DN đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế theo phương thức điện tử; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 97% tổng số thuế nộp, 98% chứng từ giao dịch điện tử. Với kết quả này, Thái Nguyên trở thành 1 trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu nộp thuế điện tử cả 3 tiêu chí (đăng ký, số lượng chứng từ và số tiền thực nộp), được Tổng Cục Thuế khen thưởng. Từ đó đến nay, các tiêu chí đưa ra đối với hoạt động này vẫn được Cục Thuế tỉnh giữ vững. Trên cơ sở các bước đã triển khai, năm 2017, Tổng cục Thuế đã chọn Cục Thuế Thái Nguyên là một trong 13 đơn vị thí điểm thực hiện dịch vụ hoàn thuế điện tử đợt 1. Đến tháng 10/2017, chỉ tiêu hoàn thuế điện tử của tỉnh đã đạt 100%, hoàn thành trước chỉ tiêu 2 tháng.
Theo chị Trần Thị Hiệp, Kế toán thuế Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG thì chưa bao giờ, người làm kế toán thuế lại cảm thấy đỡ áp lực như hiện nay. Giờ đây, chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối Internet thì ở bất cứ đâu, tôi đều có thể kê khai, nộp thuế hay yêu cầu hoàn thuế, thay vì phải khai bằng giấy và trực tiếp đến cơ quan thuế nộp. Đơn cử như việc hoàn thuế. Chỉ 1 năm trước, để hoàn chỉnh được 1 bộ hồ sơ, tôi phải đến cơ quan thuế ít nhất 4 lần (Lần 1 nộp giấy đề nghị hoàn; lần 2 đến lấy công văn yêu cầu cần giải trình (nếu không muốn chờ nhận qua đường công văn); lần 3 nộp văn bản giải trình; lần 4 nhận quyết định hoàn (nếu không muốn chờ theo đường công văn). Còn nay, tất cả đều được thực hiện trên máy vi tính. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, hoàn thuế điện tử còn giúp tăng tính minh bạch. Bởi quy trình xử lý các bước đều được công khai, DN có thể nắm được hồ sơ của mình đang được giải quyết đến đâu. Chính những tiện ích mà điện tử hóa mang lại nên Công ty đang tiến hành các bước để từ quý II/2018 sẽ chính thức sử dụng hóa đơn điện tử.
Có chung đánh giá tích cực về hiệu quả mà điện tử hóa ngành Thuế mang lại và là một trong 12 DN đã sử dụng hóa đơn điện tử từ hơn 7 năm qua, ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc khách hàng DN Viettel Thái Nguyên chia sẻ: Không chỉ tiết kiệm về mặt thời gian, việc điện tử hóa các bước trong các quy trình liên quan đến thuế còn mang lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế cho DN. Ví như đối với hóa đơn điện tử. Trong khi mỗi tờ hóa đơn giấy có chi phí từ 700-1.500 đồng, thì hóa đơn điện tử chỉ là 200-500 đồng (chi phí giải pháp) và càng dùng nhiều sẽ càng rẻ - tiết kiệm ít nhất hơn 70% chi phí. Ngoài ra, việc lưu trữ hay tra cứu cũng rất dễ dàng, không lo xảy ra mất mát hay hư hỏng; không cần kho chứa mà thời gian lưu trữ lên tới 10 năm… Đặc biệt, cả người mua và người bán hàng đều không lo bị mất mát hay hư hỏng hóa đơn gốc như đối với hóa đơn giấy…
Còn theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thì việc điện tử hóa trong các khâu không chỉ tăng tính minh bạch mà việc quản lý của cơ quan thuế cũng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt là đối với hóa đơn điện tử, sẽ hạn chế tối đa tình trạng buôn bán hóa đơn, góp phần giúp tăng thu cho NSNN. Theo dự kiến, từ 1-7-2018, toàn ngành sẽ triển khai hóa đơn điện tử đến tất cả DN. Để chuẩn bị cho công việc này, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh tuyên truyền để các DN chủ động chuẩn bị các bước tham gia.
Có thể nói, những hiệu quả mang lại từ điện tử hóa ngành Thuế cả nước nói chung, ngành Thuế Thái Nguyên nói riêng thời gian qua là rất lớn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ. Nhờ đó đã giúp giảm đáng kể thời gian nộp thuế của DN từ 537 giờ (năm 2014) xuống còn 117 giờ/năm hiện nay. Kết quả này đã góp phần quan trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, từ vị trí thứ 57 (năm 2013) lên vị trí 7 trong năm 2016 và 2017, qua đó cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của tỉnh. Ở cấp độ cao hơn, đã góp phần giúp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí thứ 82/190 quốc gia, vùng lãnh thổ (năm 2016) lên vị trí thứ 68 năm 2017, trong đó chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc, từ vị trí 167 lên vị trí 86/190 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.