P.V: Xin ông cho biết, hiện nay Thái Nguyên có bao nhiêu diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt bao nhiêu phần trăm?
Ông Ngô Xuân Hải: Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh đạt 186.485,24 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 76.493,01 ha; diện tích rừng trồng 109.949,96 ha; diện tích rừng trồng cây công nghiệp và đặc sản 42,27 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,78%.
P.V: Theo kế hoạch thì vụ xuân năm nay tỉnh ta sẽ trồng bao nhiêu diện tích rừng, tập trung chính ở những địa phương nào, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Theo kế hoạch, năm nay tỉnh ta sẽ trồng mới 3.545ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững 3.040 ha (trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, thay thế 120 ha; trồng rừng sản xuất 2.920 ha); trồng cây phân tán 675.000 cây. Diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu tại các huyện: Định Hoá (903ha), Võ Nhai (765ha), Đồng Hỷ (520ha)... Loại cây lâm nghiệp chính sẽ đưa vào trồng là keo tai tượng (hạt giống nhập từ Australia) chiếm gần 90%, ngoài ra còn có keo tai tượng hạt giống trong nước, quế, mỡ, lát…
P.V: Những chính sách cụ thể đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tham gia trồng rừng năm nay là gì, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ: Hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây bản địa 8 triệu đồng/ha; trồng cây sản xuất gỗ nhỏ và cây phân tán 5 triệu đồng/ha. Đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 30 triệu đồng/ha (mức hỗ trợ sẽ được chia theo từng năm, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư). Ngoài mức hỗ trợ trên, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tham gia trồng rừng được vay vốn để trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ (tại Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc Ngân hành Nông nghiệp và PTNT) tối đa 15 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Trợ cấp gạo cho hộ nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực, mức trợ cấp 15kg gạo/người/tháng; thời gian trợ cấp tối đa không quá 7 năm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.
P.V: So với năm trước thì những chính sách đó có gì khác không, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Những chính sách tôi vừa nói ở trên, được áp dụng trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2017 và cho tới nay chưa có sự thay đổi.
P.V: Thưa ông, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho vụ trồng rừng được triển khai đến đâu?
Ông Ngô Xuân Hải: Đến nay, tỉnh đã phân giao nguồn kinh phí hỗ trợ công tác trồng rừng cho các dự án cơ sở. Các dự án đã chủ động phối hợp với UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, bảo vệ rừng và PCCCR cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký tham gia dự án. Công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng đạt khoảng 60% kế hoạch giao. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở gieo ươm đã tổ chức gieo ươm được trên 8 triệu cây giống lâm nghiệp, sẵn sàng cung cấp đủ nguồn cây giống phục vụ công tác trồng rừng năm 2018.
P.V: Qua việc quản lý, nắm bắt từ thực tế, ông thấy vụ trồng rừng năm nay có những khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Cơ bản là thuận lợi bởi sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự ủng hộ của người dân. Tất cả đều xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó nhiều chính sách về lâm nghiệp tiếp tục được bổ sung, có hiệu lực thi hành đã tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng địa phương. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, rủi ro, như tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây con trong vườn ươm; sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các khu công nghiệp, giá mua nguyên liệu không ổn định gây ảnh hưởng đến thu nhập cho người lao động; do chủ trương cắt giảm đầu tư công nên một số chương trình, dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp chưa bố trí được nguồn kinh phí; hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp, dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư phát triển rừng gỗ lớn…
P.V: Để vụ trồng rừng năm nay đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Sau khi được cấp có thẩm quyền cho chủ trương chuẩn bị kế hoạch trồng rừng, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động, như: thực hiện thủ tục mua và phân bổ hạt giống cho các vườn ươm; tổ chức giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên năm 2018 cho các dự án; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp xã rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo trồng rừng, xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định phân giao nhiệm vụ, chỉ tiêu trồng rừng năm 2018 đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, khuyến cáo thời vụ trồng rừng và đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây lâm nghiệp; chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với ban phát triển rừng thôn, xóm xuống trực tiếp cơ sở để hướng dẫn, giám sát các hộ gia đình thực hiện kỹ thuật xử lý thực bì, cốc lấp hố, trồng và chăm sóc rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư dự án chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn, Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục thanh toán vốn năm 2018 theo đúng quy định…
P.V: Xin cảm ơn ông!