Cập nhật: Thứ sáu 27/04/2018 - 08:18
Các thành viên HTX Chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) thu hái chè sản xuất theo quy trình VietGAP.
Các thành viên HTX Chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) thu hái chè sản xuất theo quy trình VietGAP.

Lâu nay, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được biết đến là một trong những vùng chè đặc sản của tỉnh. Phát huy thế mạnh đó, từ tháng 11-2016, Hợp tác xã (HTX) Chè Thịnh An, ở xóm Tân Lập, chính thức đi vào hoạt động với mong muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nhân dân để nâng cao giá trị cây chè, đồng thời cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Trên đường từ Quốc lộ 1B vào trụ sở HTX Chè Thịnh An, những đồi chè bát úp xanh mướt nối tiếp nhau. Đến xóm 9, thị trấn Sông Cầu, chúng tôi gặp chị Trịnh Hồng Yến cùng nhiều thành viên HTX đang hối hả thu hái chè. Chị Yến cho biết: Riêng gia đình tôi có 8.000m2 chè, mỗi năm thu được 8 tấn búp tươi, doanh thu đạt 200 triệu đồng. Từ khi tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn biện pháp sản xuất chè an toàn, nhờ đó năng suất tăng từ 15-17% so với phương pháp thông thường, sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu với giá bán ổn định...

Được biết, HTX Chè Thịnh An có vùng nguyên liệu rộng 50ha, chủ yếu trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, như LDP1, TRI 777. Đến nay, 100% diện tích chè đã được 150 thành viên HTX trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chia sẻ: Để có được kết quả này là điều không dễ, bởi ban đầu nhiều hộ từ chối thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do phải thay đổi phương thức canh tác và làm nhiều việc vất vả hơn (như dọn cỏ thủ công, ghi chép nhật ký…), trong khi đó diện tích chè lại tương đối lớn (gia đình có nhiều nhất là 2ha). Thêm vào đó, nhiều người lo lắng chè VietGAP sẽ bị đánh đồng với chè thông thường, giá bán không cao. Trước thực tế đó, Ban quản trị HTX đã đến từng hộ để vận động tuyên truyền, đồng thời, áp dụng thử nghiệm quy trình VietGAP trên một số diện tích. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân thấy được hiệu quả từ mô hình này nên ngày càng nhiều hộ có nguyện vọng tham gia.

Nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, HTX đã tăng cường sử dụng các loại thuốc thảo mộc và các loại phân bón hữu cơ vi sinh. Bên cạnh hoạt động của Ban kiểm soát, HTX còn thành lập Tổ dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nhiệm vụ cung ứng, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh, đồng thời, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV của bà con sao cho đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng. Trường hợp hộ dân bị phát hiện sử dụng sai loại thuốc BVTV, sai quy định… sẽ bị khiển trách trước cuộc họp HTX, đồng thời bị dừng bao tiêu sản phẩm. Sự nghiêm túc trong cách quản lý, điều hành của Ban quản trị HTX đã dần thay đổi thói quen sản xuất cho các hộ dân, năng suất và hiệu quả kinh tế có sự thay đổi rõ rệt là minh chứng để các thành viên càng thêm gắn bó và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của HTX. Hiện nay, năng suất chè của HTX đạt từ 120-125 tạ/năm (tăng 14-16% so với không dùng thuốc sinh học và hữu cơ). Mỗi năm, các thành viên HTX thu lãi từ 120-130 triệu đồng/ha chè.

Cùng với nỗ lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất, HTX còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt bồi dưỡng, tuyên truyền phổ biến kiến thức chuyên môn cho bà con nông dân, giúp họ nắm bắt và hiểu biết các phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây chè. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào của HTX Chè Thịnh An luôn đồng đều, ổn định về chất lượng. Để đưa sản phẩm tiếp cận được với các thị trường lớn, HTX đã thực hiện đăng ký mã số, mã vạch, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hộ thương hiệu, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm hợp quy. Đến nay, HTX đã phát triển thêm 1 chi nhánh ở T.P Hồ Chí Minh cùng 25 đại lý phân phối sản phẩm trải dài từ Bắc vào Nam.

Với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc cùng những nỗ lực đóng góp quảng bá đặc sản chè địa phương, năm 2017, HTX Chè Thịnh An đã được tôn vinh “Sản phẩm chất lượng - thẩm mỹ và bản sắc 2017” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng; “Thương hiệu Việt uy tín” năm 2017 và sản phẩm Trà xanh Thịnh An đạt danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ chất lượng hội nhập” năm 2017 do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Thương hiệu Việt (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trao tặng. Có thể nói rằng đây là nguồn động viên, khích lệ HTX tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nói về phương hướng của HTX chè Thịnh An thời gian tới, bà Vũ Thị Thanh Hảo cho biết thêm: HTX dự kiến sẽ xây dựng nhà xưởng tại xóm Liên Cơ với tổng diện tích khoảng 500m2, đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu lên 100ha, sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, lồng ghép hoạt động du lịch với trồng, chế biến chè, xây dựng không gian thưởng trà cũng như tìm hiểu về văn hóa trà cho du khách tham quan, qua đó, góp phần lan tỏa thương hiệu chè của địa phương đến gần thêm với người tiêu dùng, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường…

Thu Huyền