Cập nhật: Thứ bẩy 28/04/2018 - 08:10

Khu di tích Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) được quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha nhằm phát huy giá trị lịch sử của các điểm di tích gắn liền với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đức Vua, tạo điểm nhấn trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Khu di tích trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khu di tích Lý Nam Đế gồm: Đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu thờ đức Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với đức Vua. Ngoài ra, còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của vua Lý Nam Đế như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần ngựa, đồi Cao Vương… Với những giá trị lịch sử đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; đến năm 2016, chùa Mãn Tăng cũng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Lâu nay, các điểm di tích là nơi sinh hoạt tâm linh, tin ngưỡng của người dân trong vùng và du khách thập phương.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, ngoài những giá trị lịch sử thì Khu di tích Lý Nam Đế còn có những điều kiện thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Bởi, Khu di tích nằm cách trung tâm T.X Phổ Yên 6km, T.P Thái Nguyên 20km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 70km với hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, kiên cố. Ngoài ra, theo quy hoạch chung của thị xã, đền Mục nằm trong khu đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc nút giao Yên Bình, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng nằm trong khu nông nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó, Khu di tích còn kết nối thuận lợi với các điểm tham quan khác trên địa bàn xã Tiên Phong cũng như các vùng lân cận (Khu di tích cách mạng ATK và quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: đình Thù Lâm; đình Giã Thù và chùa Di; hồ Đại Lải, Tam Đảo, hồ Núi Cốc…) tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch. Dù có những tiềm năng, lợi thế trên nhưng các điểm di tích lịch sử trên có quy mô khá khiêm tốn, hiện đã xuống cấp, hệ thống công trình, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, tham dự ngày lễ tại Khu di tích.

Nhằm tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, Khu di tích Lý Nam Đế đã được quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo quy hoạch, đền Mục được chọn là trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng (mỗi điểm quy hoạch 5ha). Các hạng mục trên sẽ được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp và xây mới với hình thức kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng. Cụ thể, đền Mục gồm: công trình di tích; sân lễ hội; tượng đài Lý Nam Đế; khu trưng bày, triển lãm hội thảo; khu công viên lịch sử Vạn Xuân; khu vui chơi dân gian và các công trình phụ trợ khác. Chùa Hương Ấp gồm: Nhà thờ tam bảo, đền thờ Lý Nam Đế; khu dịch vụ. Chùa Mãn Tăng được trùng tu, cải tạo gồm: Nhà thờ mẫu, nhà đón tiếp phật tử, cổng tam quan, khu dịch vụ, bãi đỗ xe…

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quy hoạch Hà Nội (đơn vị tư vấn): Trên cơ sở trùng tu, tôn tạo các hạng mục di tích và căn cứ vào tiềm năng, nguồn lực và nhu cầu thị trường hiện nay, Khu di tích Lý Nam Đế sẽ được phát triển với các xu hướng: Du lịch tâm linh, tín ngưỡng gắn với tìm hiểu giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử; du lịch văn hóa lịch sử tìm hiểu cuộc đời thân thế sự nghiệp đức Vua Lý Nam Đế; du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử Khu di tích với các điểm di tích lịch sử văn hóa khác của xã Tiên Phong và tỉnh Thái Nguyên; du lịch sinh thái cảnh quan nhằm khai thác giá trị cảnh quan đồng ruộng, khu vực ven sông Cầu; du lịch cuối tuần gắn với không gian nghỉ cuối tuần, cắm trại, công viên sinh thái. Trên cơ sở tiềm năng, mối liên hệ, các định hướng phát triển du lịch trên, dự báo đến năm 2025, Khu di tích Lý Nam Đế sẽ đón khoảng 9 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2,5 nghìn lượt, khách trong nước là 6,5 nghìn lượt; đến năm 2030 số lượt khách đến tham quan sẽ tăng lên 22 nghìn lượt: trong đó khách quốc tế là 5 nghìn lượt, khách trong nước là 17 nghìn lượt.

Việc lập Quy hoạch tổng thể Khu di tích Lý Nam Đế nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa và phát triển thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, tưởng nhớ công lao của Vua Lý Nam Đế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Tại Hội nghị tham gia góp ý vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong được tổ chức mới đây, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Việc phát triển Khu di tích phải đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật cần phát huy truyền thống kết hợp khai thác phát triển du lịch nhằm tạo điểm nhấn trong văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Để làm được điều này, T.X Phổ Yên cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ hiện trạng Khu di tích; trong quá trình thực hiện cần tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trưúâng, anh ninh trật tự và an toàn xã hội...

Trịnh Phương