Cập nhật: Chủ nhật 29/04/2018 - 16:20
Đường bê tông nông thôn mới ở Na Hấu.
Đường bê tông nông thôn mới ở Na Hấu.

Đã 5 năm tôi mới có dịp trở lại Na Hấu, xóm đồng bào dân tộc Dao thuộc diện khó khăn nhất xã vùng cao Nghinh Tường (Võ Nhai). Mọi thứ đã thay đổi khá nhiều, nếp nghĩ, cách làm ăn của bà con nơi đây cũng đã đổi thay theo hướng tích cực. Khối đoàn kết trong cộng đồng cư dân với hạt nhân là Chi bộ xóm ngày càng được củng cố.

5 năm trước, khi tôi có ý định vào thực tế tại khu Khau Kheo, cụm dân cư có gần 20 hộ sống trên núi cách trung tâm xóm Na Hấu khoảng 2km, cả cán bộ xã và xóm đưa đường đều có ý ngăn cản. Bởi đường lên núi chỉ là lối mòn nhỏ với những con dốc rất cao nên không mấy ai đủ tự tin đi xe máy lên đây. Lần ấy, dù quyết tâm đi, tôi cũng chỉ dám “thử” một đoạn rồi… quay xuống. Giờ thì một phần đoạn đường đó đã được đổ bê tông, phần còn lại cũng được người dân góp tiền thuê máy và góp công để mở rộng.

Xoám Na Hấu có 70 hộ dân, trong đó có 63 hộ người Dao, 7 hộ người Tày, hiện còn 47 hộ nghèo. Khi tôi hỏi: Sao xóm mình nhiều hộ nghèo thế anh? Bí thư Chi bộ Na Hấu, ông Triệu Tiến Hanh cười gượng gạo: Ai cũng muốn thoát nghèo nhưng điều kiện khó khăn quá, mỗi năm xóm giảm được khoảng 3 - 5 hộ nghèo là đã nỗ lực lắm rồi. Ông Hanh minh chứng: Bà con ít ruộng cấy lại phần lớn là ruộng bậc thang, mỗi nhà chỉ có vài mảnh ruộng con con mà lại phụ thuộc nước trời. Người dân ở gần rừng nhưng đa phần diện tích là rừng phòng hộ đầu nguồn, không được phát nương làm rẫy hoặc trồng rừng sản xuất. Giao thông thì bao năm trắc trở, giờ mới được cải thiện nhưng còn vất vả lắm…

Cán bộ, đảng viên xóm Na Hấu luôn gần dân và làm tốt công tác dân vận.

Giọng ông Triệu Tiến Hanh tự tin và hào hứng hơn khi nói về những đổi thay tích cực của xóm. Đó là việc xóm “dám” nhận xi măng cấp trên hỗ trợ để làm đường bê tông; chuyện vận động nhân dân đóng góp để mở đường và làm nhà văn hóa; vận động quần chúng vào Đảng, tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ và cách làm ăn của bà con… Chi bộ Na Hấu có 11 đảng viên, những đảng viên, cán bộ xóm lâu năm như các ông: Phan Đức Tề, Triệu Tiến Quý, Triệu Tiến Hanh, Dương Văn Pháo… thực sự là những trụ cột của xóm, luôn gương mẫu và tích cực, kiên trì vận động bà con thay đổi nhận thức và tham gia tốt mọi phong trào.

Chuyện làm 1,4km đường bê tông theo hình thức đối ứng từ năm 2016 đến nay, ông Triệu Tiến Hanh kể: Dân mình nghèo và vẫn còn nặng tư tưởng chờ Nhà nước đầu tư hoàn toàn nên Chi bộ xác định trước hết phải kiên trì tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu. Sau khi họp bàn thống nhất, chi bộ chỉ đạo tổ chức họp xóm, rồi phân công các đảng viên, cán bộ đoàn thể chia nhau đến từng nhà dân để phân tích, vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, từ đó bà con ai nấy đều phấn khởi và hăng hái đóng góp tiền thuê máy mở rộng đường, thuê máy trộn bê tông và góp hàng trăm ngày công. Để không quá sức dân, chúng tôi làm từng đoạn, huy động cả xóm cùng đóng góp để làm những tuyến đường dù rằng chủ yếu chỉ phục vụ đi lại cho một số hộ. 1 - 2 triệu đồng với đa số hộ ở Na Hấu là khoản tiền lớn, có khi phải tằn tiện cả năm nhưng mọi nhà đều đóng góp đầy đủ. Việc đăng ký nhận xi măng về làm đường xóm tưởng không thể khả thi nhưng đã thành công ngoài mong đợi, vì tư tưởng của người dân đã “thông”.

Gia đình bà Phan Thị Sơn ở khu Khau Kheo đã không còn đói như vài năm trước, đang dựng ngôi nhà mới.

Chuyện huy động sức dân làm nhà văn hóa đầu năm ngoái cũng là một việc lớn đối với xóm nghèo vùng cao này. Được cấp trên hỗ trợ 150 triệu đồng, xóm vận động mỗi hộ đóng góp thêm 1,5 triệu đồng để xây nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới rộng 130m2. Trước đó, mỗi hộ dân Na Hấu cũng đã đóng góp hàng trăm nghìn đồng để mua đất, san mặt bằng để xây nhà văn hóa và điểm trường mầm non, sau đó lại đóng tiền mua ghế ngồi tại nhà văn hóa xóm… Mọi việc lớn nhỏ, chi bộ đều đưa ra họp bàn thấu đáo, thống nhất chủ trương và cách làm phù hợp, thuận lòng dân nhất.

Cùng với đồng tâm hợp lực phát triển hạ tầng, người dân Na Hấu giờ cũng tích cực, mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế. Nhiều nhà vay ngân hàng mua gia súc, gia cầm về nuôi, thuê máy san gạt thêm ruộng nương, tích cực trồng rừng, trồng cấy các giống lúa, ngô, cây ăn quả mới chứ không còn tự để giống như trước. Na Hấu đang đổi thay từ cách nghĩ của từng người dân đến diện mạo, triển vọng thoát nghèo đã thấy dù khó khăn, vất vả còn nhiều.

Trở lại Na Hấu lần này, tôi lên Khau Kheo. Chiếc xe máy dễ dàng băng qua những con dốc đầu tiên đã được đổ bê tông, vất vả một chút khi qua đoạn đường đất tiếp theo vừa mới được mở rộng và hạ bớt dốc. Khau Kheo là một thung lũng hẹp bị vây quanh bởi những ngọn núi cao vút, gần 20 hộ dân tụ cư dưới những tán rừng. Điều kiện rất khó khăn nhưng đã có 3 hộ thoát nghèo. Trong đó, nhà anh Triệu Văn Liêu (36 tuổi) là khấm khá hơn cả, anh kể: Khi con đường dễ đi hơn, tôi đã chở được ngói về lợp xong ngôi nhà mới. Thấy bảo năm nay xóm lại làm thêm 600 mét đường bê tông, nhà mình nghèo nhưng vẫn sẽ nộp đủ tiền và ngày công…

Bí thư Triệu Tiến Hanh và Phó Bí thư Chi bộ Dương Văn Pháo góp chuyện rồi cùng cười nói vui vẻ: Việc lớn của xóm đấy nhưng mọi người quyết tâm cùng làm là xong mà.

Trần Quyền