P.V: Trước tiên, xin ông cho biết Trường Đại học Việt Bắc được thành lập theo quyết định nào và nhiệm vụ chính của Nhà trường là gì?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Trường Đại học Việt Bắc được thành lập theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 05/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, Trường Đại học Việt Bắc là cơ sở giáo dục đại học và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Chính phủ ban hành.
P.V: Được biết, đây là trường đại học tư thục đầu tiên ở Thái Nguyên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, đến nay, Nhà trường đã đầu tư xây dựng những cơ sở vật chất gì để đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, chúng tôi đã khẩn trương làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo, như: đã đền bù và giải phóng mặt bằng được 32 ha đất (tổng diện tích của Dự án là 38,6 ha); xây dựng nhà điều hành, nhà lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành - thực tập khối ngành kỹ thuật, ngành kinh tế… Tổng kinh phí đầu tư cho các hạng mục công trình kể trên là hơn 350 tỷ đồng, đảm bảo giáo dục - đào tạo với chất lượng cao cho 5.000 sinh viên.
P.V: Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo những chuyên ngành gì?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Chúng tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 6 ngành, bao gồm: Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Truyền thông và mạng máy tính, Kế toán, Quản trị kinh doanh. Năm 2018, Nhà trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành, gồm: Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Anh.
P.V: Công tác tuyển sinh những năm gần đây có gặp khó khăn không và có ý kiến cho rằng quy mô đào tạo của Trường Đại học Việt Bắc thấp hơn nhiều so với đề án ban đầu, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Đúng vậy. Quy mô sinh viên của Trường ít hơn so với đề án là do những năm gần đây công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Khó khăn này không phải chỉ riêng đối với Trường Đại học Việt Bắc, mà khó khăn chung cho tất cả các trường đại học trong cả nước. Đến nay, Trường đã tuyển sinh đào tạo được 5 khoá và đã có 2 khoá SV tốt nghiệp ra trường.
P.V: Mới đây, việc xây dựng siêu thị trong khuôn viên Nhà trường đang gặp phải nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng, Trường Đại học Việt Bắc đã sử dụng đất sai mục đích với mục tiêu kinh doanh kiếm lời ở vị trí đất vàng ngay giữa trung tâm T.P Thái Nguyên. Ông lý giải thế nào về việc này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Hiện nay, lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học thất nghiệp liên tục gia tăng gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh viên thất nghiệp, trong đó có nguyên nhân các em thiếu kiến thức thực tế và năng lực làm việc. Chính vì vậy, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội là phải tăng cường công tác thực hành thực tập, đặc biệt đối với các trường đại học định hướng thực hành và định hướng ứng dụng như Trường Đại học Việt Bắc của chúng tôi. Vì vậy, bên cạnh việc đưa sinh viên chuyên ngành kỹ thuật đi thực tập, thực tế ở các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và tại xưởng thực hành của Nhà trường thì đối với sinh viên khối ngành Kinh tế, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm thực hành thực tập để các em có môi trường học tập đúng nghĩa theo yêu cầu của chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời để gắn với phục vụ xã hội và đảm bảo duy trì được hoạt động, Nhà trường đã liên kết với Công ty ALOHA Thái Nguyên để điều hành hoạt động của Trung tâm. Tại Trung tâm này, các em sinh viên được thực hành các bài giảng về kinh tế, thực tập tốt nghiệp; học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, chào mời, xử lý tình huống; đồng thời là nơi dịch vụ cho hàng nghìn sinh viên và cán bộ, giáo viên Nhà trường. Hơn nữa, các em sinh viên dân tộc thiểu số hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ bố trí làm thêm để có thu nhập… Tôi cho rằng, việc làm này không có gì sai mục đích như dư luận phản ánh.
Đây là một mô hình tuy không mới đối với các trường đại học Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là một bước đầu tư mạnh dạn của Nhà trường. Nếu mô hình này thành công, thì đây cũng là một hướng nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên khối ngành Kinh tế của các trường đại học và chúng tôi tin tưởng mô hình này sẽ thành công, nếu được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng của thành phố và tỉnh Thái Nguyên trong quá trình hoạt động của Trung tâm.
P.V: Nhưng tại Giấy phép xây dựng số 348/GPXD ngày 13/2/2018 do UBND T.P Thái Nguyên cấp cũng chỉ cho phép Trường Đại học Việt Bắc xây dựng nhà thực hành, thực nghiệm khối Kinh tế mà không đề cập đến việc cho phép xây dựng Trung tâm thương mại - siêu thị như công trình đang hiện hữu tại Nhà trường. Như vậy, có phải Nhà trường đã xây dựng siêu thị khi không được phép của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Bình: Chúng tôi đã có Quy hoạch xây dựng (trong đó có Nhà thực hành, thực tập) do UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và có giấy phép xây dựng Nhà thực hành, thực tập cho sinh viên khối ngành Kinh tế. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng xong Nhà thực hành, thực tập theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, đã đưa vào sử dụng và hiện nay sinh viên của Trường Đại học Việt Bắc đang thực hành, thực tập tại đây. Còn việc kết hợp với phục vụ xã hội thông qua kinh doanh siêu thị, Nhà trường đã làm đầy đủ các thủ tục với các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên và T.P Thái Nguyên, như: đã đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư; đã đăng ký thuế và mã số thuế với Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên; đã nộp thuế môn bài với Cục thuế tỉnh; đã lập hồ sơ báo cáo với Sở Công Thương về mặt hàng kinh doanh, an toàn thực phẩm…
P.V: Xin cảm ơn ông!