Cai nghiện tại gia đình là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình. Ưu điểm cai nghiện tại gia đình sẽ giúp người sử dụng ma túy bảo đảm được giữa bí mật thông tin đời tư, lai lịch... Xã hội cũng dần cảm thông và tạo mọi điều kiện cho người sử dụng ma túy được điều trị căn bệnh của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, áp lực vô hình của xã hội đối với người sử dụng ma túy vẫn còn tồn tại. Người sử dụng ma túy thường phải nhận những ánh mắt xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh khi họ công khai mình là người nghiện. Thuận lợi nữa là người sử dụng ma túy và gia đình của họ không phải chi trả chi phí giường bệnh và giảm bớt các khoản chi phí phát sinh từ việc đi lại thăm nom người bệnh khi họ lưu viện nội trú. Khi điều trị tại gia đình, người sử dụng ma túy không tiếp xúc hay chịu ảnh hưởng từ những người “bạn nghiện” nặng hơn, từ đó rút ngắn được thời gian điều trị. Thay vào đó, người sử dụng ma túy sẽ có cơ hội nhận được sự yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ từ các thành viên trong gia đình.
Mặc dù có những ưu điểm như vậy, nhưng thực tế cũng đã phát sinh những hạn chế, một phần đó cũng là nguyên nhân dẫn đến người nghiện tái nghiện ma túy. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Tấn M, 43 tuổi (xã Thượng Đình), sau khi thực hiện nhiều biện pháp cai nghiện, điều trị tích cực cai nghiện ma túy, cơ thể đã sạch các chất ma túy, tái hòa nhập cộng đồng được gần 4 năm. Mặc dù ông M đã tránh xa môi trường có ma túy và chỉ lao động tại nhà, nhưng trong một lần dắt bò ra bãi chăn thả, vô tình gặp “bạn nghiện” đang sử dụng ma túy, ông đã không còn đủ lý trí để làm chủ bản thân và sử dụng lại. Hậu quả sau lần đó ông M đã tái nghiện.
Tương tự như ông M, trong năm 2017, huyện Phú Bình có 7 đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau, nên đã tái nghiện. Từ chỗ được địa phương công nhận đã hoàn thành cai nghiện và đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, nhưng đầu năm 2018 sau khi xét nghiệm lại đã mắc nghiện trở lại. Sau khi biết đã trót sai lầm, cả 7 đối tượng đều đến xã tự nguyện xin tiếp tục được cai nghiện tại gia đình, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn không thể mua nổi thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện (Cedermex) khi chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã hết. Theo phác đồ điều trị, mỗi người dùng Cedermex phải dùng 11 hộp thuốc, trong khi giá thị trường trên 3 triệu đồng/hộp. Đây chính là khó khăn cho những đối tượng có thu nhập thấp.
Theo ông Đặng Hồng Thịnh, Phòng Lao động, thương binh và Xã hội (TB&XH) huyện Phú Bình, áp lực lớn nhất trong hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy chính kinh tế, sau khi cắt chương trình hỗ trợ thuốc Cedermex của nhà nước. Ông Thịnh cho biết: “Đến thời điểm này toàn huyện hiện có 385 đối tượng nghiện ma túy trong diện có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% đối tượng nghiện có “thâm niên” sử dụng ma túy từ 10-20 năm, tuổi trung bình ngoài 40. Như vậy sẽ khó cai hơn nhóm có thời gian sử dụng ít và sau cai sẽ rất khó tìm việc làm vì tuổi lao động cao. Những đối tượng này cũng rất dễ buông xuôi, không kiên trì và hay mặc cảm, tự ái cao, dễ bị kích động tâm lý hoặc dễ mắc chứng trầm cảm. Chính vì vậy rất cần sự chia sẻ, cảm thông từ người thân, cộng đồng để họ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội địa phương”. Theo ông Nguyễn Đức Giang, phó trường Phòng Lao động TB&XH huyện Phú Bình: “Quá trình tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình cũng còn có những khó khăn khác như: nhiều gia đình có người sử dụng ma túy thiếu hiểu biết về quy trình điều trị bệnh khiến việc hỗ trợ và chăm sóc người điều trị nghiện ma túy không đạt được hiệu quả. Quá trình tự điều trị ở nhà nhưng lại không tuân thủ phác đồ điều trị, cho bệnh nhân uống thuốc thất thường hoặc tự ý bỏ thuốc, thậm chí còn giấu tình trạng của người bệnh nên tình trạng của họ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Hoạt động cai nghiện ở xã, thị trấn chủ yếu dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động chứ chưa tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng.
Có thể nói để hạn chế trường hợp tái nghiện, bên cạnh sự hỗ trợ từ gia đình cộng đồng, quyết tâm của người cai nghiện vẫn là quan trọng nhất. Để làm được điều này, gia đình, cộng đồng và xã hội cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với người nghiện, cần hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để thúc đẩy quyết tâm cai nghiện của họ. Mặt khác, gia đình, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của mình mà lựa chọn cho con em mình một mô hình điều trị nghiện phù hợp.