Là một trong hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động tại huyện Định Hóa, Doanh nghiệp tư nhân Thành Cảnh, xóm Hồng Thái, xã Bình Thành đã có 6 năm hoạt động mua, bán, chế biến lâm sản, chủ yếu là kinh doanh gỗ xẻ. Ông Bùi Văn Cảnh, Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Nhận thấy triển vọng phát triển của chế biển lâm sản ở địa phương, bởi trên địa bàn xã có khá nhiều hộ trồng rừng, nguồn nguyên liệu dồi dào, năm 2012, bằng số vốn tích góp được, tôi đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Gỗ xẻ chủ yếu là gỗ keo từ rừng trồng tại địa phương và của gia đình (gần 10ha), sau đó được cắt xẻ theo kích thước yêu cầu và xuất bán cho các doanh nghiệp làm đồ gỗ ở Hà Nội. Với 4 máy xẻ gỗ, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất bán 40-50m3 gỗ xẻ các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động với mức trung bình đạt 200.000 đồng/người/ngày.
Theo thống kê, tổng diện tích đất lâm nghiệp ở Định Hóa hiện đạt trên 34.000ha (chiếm gần 70% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện), trong đó diện tích rừng sản xuất đạt trên 22.000ha. Với điều kiện thuận lợi về đất rừng, diện tích rừng trồng mới tăng lên theo từng năm, sản lượng gỗ trung bình đạt 20.000m3/năm đã tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, do vậy, các cơ sở chủ yếu tập trung ở những địa phương có diện tích rừng trồng lớn như: Quy Kỳ, Tân Thịnh, Bộc Nhiêu… Ngoài Doanh nghiệp tư nhân Thành Cảnh thì tại huyện Định Hóa còn có gần 130 DN và hộ sản xuất cá thể chế biến lâm sản. Dù phần lớn quy mô nhỏ, song hoạt động của các đơn vị này được đánh giá là hiệu quả và tương đối ổn định. Tiêu biểu như: Hợp tác xã Vận tải Chuyên Đức, xóm Đoàn Kết 2, xã Trung Hội; Doanh nghiệp tư nhân Tân Thịnh, xóm Làng Lài, xã Tân Thịnh; Doanh nghiệp Hào Uyến, thị trấn chợ Chu… Cùng với việc đầu tư công nghệ hiện đại, các cơ sở đã có sự đa dạng hóa các sản phẩm gỗ, đồng thời, tận dụng phế phẩm để tạo ra các mặt hàng như: gỗ ván dăm, ván ép, viên nén… tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Không chỉ lĩnh vực chế biến gỗ, các nghề TTCN khác trên địa bàn huyện Định Hóa thời gian gần đây cũng phát triển khá, dần phát huy được những tiềm năng sẵn có, như: Chế biến chè; gia công cơ khí; khai thác đá, cát sỏi, sản xuất gạch không nung);… Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, đầu năm 2018, Doanh nghiệp tư nhân Hậu Thủy, Thị trấn chợ Chu đã mở rộng thêm lĩnh vực gạch không nung khi đầu tư dây chuyền sản xuất trị giá hơn 3 tỷ đồng gồm máy ép, máy trộn, băng tải… trên diện tích nhà xưởng rộng hơn 1,5ha. Ông Nguyễn Xuân Hậu, Giám đốc Doanh nghiệp, cho biết: Trước đây, khi thi công các công trình xây dựng, chúng tôi thường phải nhập gạch từ nơi khác, giá thành bị “đội” lên khá nhiều do tốn chi phí vận chuyển. Nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và mong muốn sản xuất, cung cấp loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, chúng tôi phát triển thêm sản xuất, kinh doanh gạch không nung. Đến nay, trung bình mỗi tháng, Doanh nghiệp sản xuất được khoảng 500.000 viên, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày công. Tính đến thời điểm này, phát triển vật liệu xây dựng là gạch không nung đã góp phần thay thế gạch nung vốn tập trung nhiều tại các xã Trung Hội, Kim Sơn. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 30 cơ sở sản xuất gạch không nung, cấu kiện bê tung đúc sẵn, đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng trong nhân dân.
Cùng với sự nỗ lực, nhạy bén của các chủ cơ sở sản xuất trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Định Hóa đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN-TTCN. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, từ năm 2006 đến nay, huyện đã xây dựng các đề án phát triển CN-TTCN với nhiều giải pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Định Hóa cho biết: Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do điều kiện vị trí địa lý không thuận lợi, các ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, công nghệ sản xuất lạc hậu… Tuy nhiên, huyện lại có thế mạnh về tài nguyên rừng, khoáng sản làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, đất sét, đá cát kết)… Do vậy, để phát huy những tiềm năng, thúc đẩy phát triển CN-TTCN, hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 320 tỷ đồng (tăng 81 tỷ đồng so với năm 2017), thời gian tới, huyện Định Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng 3 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, gồm: Kim Sơn, Trung Hội và Tân Dương. Trong đó, ưu tiên các đơn vị đầu tư vào cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết gồm đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và xây dựng nhà máy sản xuất trong cụm công nghiệp; thu hút các dự án sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các mặt hàng có thế mạnh ở địa phương (gạo Bao Thai, chè…), sản xuất vật liệu xây dựng; mời gọi các dự án gắn liền với thế mạnh tài nguyên rừng ở địa phương như: chế biến gỗ, sản xuất ván dăm, sơ chế dược liệu… Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định; hỗ trợ quảng bá sản phẩm…
Từ những nỗ lực của của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn huyện đã có những khởi sắc, thể hiện ở giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2017 đạt 239 tỷ đồng, đạt 103,9% so với kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp cá thể đạt 160 tỷ đồng, doanh nghiệp đạt 79 tỷ đồng. Năm 2018, huyện phấn đấu tăng giá trị sản xuất CN-TTCN lên 260 tỷ đồng (tăng 11,1% so với năm 2017)