Cập nhật: Thứ sáu 01/06/2018 - 17:27
  Bệnh nhân Nguyễn Đức N tham gia sinh hoạt CLB Thân thiện và được tư các thành viên đưa đến Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn, điều trị theo đúng phác đồ, sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân Nguyễn Đức N tham gia sinh hoạt CLB Thân thiện và được tư các thành viên đưa đến Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn, điều trị theo đúng phác đồ, sức khỏe ổn định.

“Nếu không may người thân trong gia đình mình có H và đang đổ bệnh, tin rằng ai cũng muốn cứu người nhưng lại lảng tránh vì đề phòng lây nhiễm H. Gần hai chục anh, chị em chúng tôi trong Câu lạc bộ (CLB) Thân thiện ai cũng đã từng nếm trải qua một vài lần cảm giác đó".

"Người bị bệnh chỉ mong chết cho thật nhanh, còn người thân miễn cưỡng lo sợ, hoảng loạn. Lúc ấy, chỉ có những cánh tay đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ mới thực sự níu kéo chúng tôi lại với cuộc đời này. Và chúng tôi đã trở thành điểm tựa cho nhau trong cuộc sống hàng ngày để vượt qua kỳ thị của xã hội, hỗ trợ tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ hơn về phòng chống HIV/AIDS.” - Chị Cao Thị Thanh, xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) thành viên CLB Thân Thiện chia sẻ với chúng tôi.

Là thành viên gia nhập CLB Thân thiện (gồm những người có nhiễm H và nghiện ma túy) của xã Huống Thượng năm 2014, sau khi được sự chăm sóc tận tình của các thành viên trong CLB trong một lần ốm nặng. Chị Thanh nhớ lại: “Hàng ngày tôi vẫn uống thuốc ARV theo chương trình của quốc gia, dạo đó đi làm phụ xây, bị cảm nặng, viêm họng nên phải nghỉ việc. Gia đình không còn chồng (do chết vì HIV/AIDS), 2 con nhỏ xét nghiệm không bị lây nhiễm HIV, nên nhà nội đón về nuôi, gần như cách ly với tôi. Khi tôi ốm, tôi thèm muốn được nắm tay, chân con mình, dù chỉ một lần cũng không được. Mọi người tìm cách ngăn cản tiếp xúc. Tôi thật sự không muốn tiếp tục sống. Trong lúc cùng quẫn ấy, các anh, chị CLB đã đến bế tôi dạy và đun thuốc lá cây xông hơi, tắm cho tôi, động viên ăn cơm, uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Những cử chỉ đó như một nguồn năng lượng thần kỳ đã vực tôi dậy, giúp tôi nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Từ đó tôi mới hiểu được ý nghĩa hoạt động của CLB và tìm thấy niềm tin vào tương lai. Các thành viên trong gia đình tôi tận thấy cách chăm sóc người bệnh và có thêm kiến thức phòng chống HIV/AIDS đã gần gũi trở lại với tôi. Các con càng gần gũi yêu thương với mẹ, khiến tôi thêm nghị lực sống và quyết sống cho thật ý nghĩa để mang lại hạnh phúc cho các con. Khi chính những người trong CLB đem lại niềm tin cho mình, tôi mới thấy giá trị điểm tựa tinh thần quan trọng thế nào với cuộc sống mỗi người…”

Là một CLB hoạt động mang tính xã hội và tự nguyện, hàng tháng có lịch sinh hoạt định kỳ, sự đồng cảm của những người có H đã đoàn tụ lại như một mái ấm gia đình thứ hai của đời mình và thường xuyên quan tâm giúp đỡ nhau. Chị Mai Thị Hằng, xóm Sộp, dù đã 50 tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn và vô tư. Chị Hằng kể: “Là người bệnh, nhưng không để ai lây nhiễm bệnh của mình là hạnh phúc rồi. Bản thân, lúc nào cũng lo lắng, tự ty, mặc cảm thì đã không sống đến hôm nay. Sống phải có nghị lực mới chiến thắng gian khó, bệnh tật. Tôi là bệnh nhân H hơn chục năm nay rồi, nhưng mỗi tháng chạy chợ cũng kiếm được 5-7 triệu đồng. Từ chỗ nằm bẹp trên giường như cái xác khô chỉ có 30kg, sau khi được tư vấn về phòng chống HIV/AIDS, gia đình cũng dần cảm thông, thấu hiểu, nên tư tưởng thoải mái, giờ lúc nào cũng được 52kg”.

Được biết CLB Thân thiện thành lập năm 2012 gồm 30 thành viên, trong đó có hơn một nửa là người có H, còn lại là người nghiện ma túy, đến nay CLB có 38 người. Đặc biệt, các thành viên trong CLB có 20 người đang nuôi con nhỏ mà các cháu không bị lây nhiễm HIV, đa số nhóm có H là phụ nữ cùng hoàn cảnh không có chồng. Nhờ có hoạt động sinh hoạt CLB đồng đẳng, đồng cảnh ngộ, nên các thành viên có thêm nhiều kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho bản thân và cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Đoan, xóm Huống Trung, là thành viên CLB tâm sự: “Trong gia đình mà cảnh giác quá với nhau dễ thành kỳ thị, phân biệt. Nhưng không tự biết phòng tránh cho mọi người xung quanh thì cũng là có tội. Những lúc anh, chị em trong CLB có người ốm đau, chúng tôi lại cùng nhau đến giúp. Chỉ có chúng tôi mới làm những công việc đụng chân, đụng tay người cùng cảnh mà không ngại, nên sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thực tế không ai muốn bị người khác nhìn mình với con mắt kỳ thị vì là người có H. Nhưng khi sinh hoạt CLB rồi chúng tôi mới thấy, thà chân thật, minh bạch và công khai với mọi người xung quanh về mình thì lương tâm còn thanh thản hơn và được mọi người cảm thông hơn. Trước kia chúng tôi đơn độc sống trong lo sợ kỳ thị của mọi người xung quanh, nhưng từ khi có CLB chúng tôi đã có điểm tự tinh thần có niềm tin hướng đến tương lai. Nhờ các hoạt động mang lại ý nghĩa tin thần thiết thực mà CLB có cả những người gần 60 tuổi cũng tình nguyện tham gia, còn người trẻ nhất 35 tuổi, tất cả đều sinh hoạt bình đẳng, đồng cảm, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau”.

Trinh An