Cập nhật: Thứ bẩy 09/06/2018 - 08:56
Nhân viên y tế của Bệnh viện A phát thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV điều trị ngoại trú tại Phòng khám Ngoại trú HIV/AIDS của Bệnh viện.
Nhân viên y tế của Bệnh viện A phát thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV điều trị ngoại trú tại Phòng khám Ngoại trú HIV/AIDS của Bệnh viện.

Việc điều trị sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng HIV (ARV) sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe đồng thời thời giảm nguy cơ lây truyền cho người khác trong cộng đồng. Sức khỏe được cải thiện, bệnh nhân cũng có thể sinh hoạt và lao động như những người bình thường.

Là một trong 20 bệnh nhân nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV đầu tiên của tỉnh, chị N.T.H ở xã Đắc Sơn (Phổ Yên) vẫn khỏe mạnh và là trụ cột lao động trong gia đình sau gần 14 năm nhiễm bệnh. Chị cho biết: Năm 2004, sau khi chồng tôi chết vì HIV/AIDS và đặc biệt là biết mình cũng nhiễm HIV, tôi đã vô cùng tuyệt vọng. Thời điểm đó, thông tin về bệnh còn hạn chế trong khi nguồn thuốc điều trị còn hiếm hoi. May mắn, tôi được tiếp xúc với các bác sĩ tại Phòng khám Ngoại trú HIV/AIDS (Bệnh viện A) và được tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh bằng thuốc kháng virus ARV ngay trong đợt đầu tiên của tỉnh vào năm 2006. Mặc dù phải thay đổi thuốc điều trị 2 lần mới tìm ra những loại thuốc phù hợp nhưng sau 12 năm điều trị, tôi duy trì ổn định sức khỏe để lao động nuôi con ăn học và chăm sóc bố mẹ chồng già yếu.

Cùng với chị N.T.H, hiện còn 13 bệnh nhân khác trong tổng số 20 bệnh nhân tham gia đợt đầu tiên điều trị ARV của tỉnh đang được tiếp tục điều trị và có sức khỏe ổn định, sinh hoạt và tham gia lao động bình thường.

Được biết, năm 2004, Bệnh viện A là cơ sở đầu tiên của tỉnh có phòng chức năng khám và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Năm 2006, thông qua một dự án phi chính phủ, Phòng khám Ngoại trú HIV/AIDS này là cơ sở đầu tiên được cấp phát và điều trị bằng thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Qua 12 năm đưa ARV vào điều trị, Bệnh viện đã điều trị hiệu quả cho gần 2 nghìn lượt bệnh nhân. Hiện nay, sau khi chuyển một số bệnh nhân về điều trị tại huyến huyện, Bệnh viện đang tiếp nhận và duy trì điều trị ARV thường xuyên cho gần 1 nghìn bệnh nhân trong đó hầu hết là bệnh nhân điều trị lâu năm và có sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Chuyên khoa I Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Da liễu, Phụ trách Phòng khám Ngoại trú HIV/AIDS cho biết: Điều trị ARV giúp người nhiễm HIV có cuộc sống bình thường như những người khỏe mạnh bởi ARV hồi phục được hệ thống miễn dịch, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Điều trị ARV cũng làm người bệnh giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm và giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng đặc biệt là giúp dự phòng lây truyền hiệu quả HIV từ mẹ sang con.

Nếu như trước đây, do nguồn thuốc ARV khan hiếm, bệnh nhân chỉ được xét tham gia điều trị nếu có chỉ số CD4 (chỉ số thay thế cho biết mức độ HIV đã phá hủy hệ miễn dịch) và tải lượng virus trong máu thấp. Nguyên nhân này dẫn tới lượng bệnh nhân nhiễm HIV mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến và thậm chí nhiều bệnh nhân đã tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Hiện nay, 100% bệnh nhân có nhu cầu đều được điều trị bằng ARV ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV vì vậy mà lượng bệnh nhân bị mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội rất ít. Hầu hết bệnh nhiên điều trị bằng ARV đều khỏe mạnh và tham gia lao động bình thường.

Tuy nhiên được biết, thuốc ARV chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV chứ không chữa khỏi hoàn toàn nên người bệnh nhiễm HIV điều trị bằng ARV suốt đời và phải tuân thủ giờ giấc uống thuốc, không được tự ý bỏ thuốc dễ dẫn đến nguy cơ khiến bệnh nặng hơn do virus kháng thuốc và gây thất bại trong điều trị. Bệnh nhân thất bại trong điều trị đều có thể dẫn tới hậu quả là tải lượng HIV tăng cao, trong khi lượng CD4, tải lượng virus giảm xuống khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc phải những bệnh nhiễm trùng cơ hội và nếu không phát hiện sớm, có thể dẫn tới tử vong.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV thất bại điều trị phải chuyển sang điều trị bằng phác đồ bậc 2 đang gia tăng. Tính đến hết tháng 4-2018, toàn tỉnh có gần 6,3 nghìn người nhiễm HIV còn sống trong đó có gần 3,7 nghìn người được điều trị bằng thuốc ARV. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh mới chỉ có 3 bệnh nhân điều trị ARV phải điều trị theo phác đồ bậc 2 thì đến nay, toàn tỉnh có gần 124 người phải điều trị ARV theo phác đồ bậc 2.

Nguyên nhân bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 phần lớn do chủ quan của người bệnh không tuân thủ đúng, đủ quy trình sử dụng thuốc hoặc lây nhiễm chủng kháng thuốc từ người khác. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 là do kháng thuốc tự nhiên. Với mỗi bệnh nhân điều trị theo phác đồ bậc 2 không những có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình điều trị mà còn làm tăng áp lực đối với nguồn cung cấp thuốc bởi tính trung bình, chi phí cho mỗi bệnh nhân điều trị ARV theo phác đồ bậc 2 cao gấp từ 6 đến 7 lần chi phí điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ bậc 1.

Theo bác sĩ Lương Minh Tuấn, để thuốc ARV phát huy hiệu quả tối đa trong điều trị, bệnh nhân nhiễm HIV cần được phát hiện, điều trị sớm và suốt quá trình điều trị phải tuân thủ trên 95% quy trình sử dụng thuốc ARV để bảo đảm hiệu quả ức chế được sự nhân lên của HIV đồng thời làm cho hệ thống miễn dịch phục hồi. Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm HIV cũng cần chủ động sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chủng HIV kháng thuốc từ những bệnh nhân khác để bảo đảm sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Hoàng Hưng