Với Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc lãnh đạo đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhiệm (cụ thể là các cán bộ và đảng viên của Đảng) đã có nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt mà kẻ thù cũng không thể phủ nhận được. Khách quan và công bằng mà nói, công tác tổ chức cán bộ của ta từ xưa đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần sửa chữa, khắc phục như mua bán quyền lực (chạy chức, chạy quyền), tham ô, lãng phí... Điều này Đảng ta biết và đã, đang và sẽ làm để chặn đứng các tiêu cực, khắc phục các yếu kém trong công tác cán bộ. Ngày 19/5/2018, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 26) về Tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã được ban hành. Ban Chấp hành đã đánh giá tình hình cán bộ và công tác cán bộ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của công tác này.
Nghị quyết số 26 ra đời nhằm xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Vận dụng và thực hiện các di huấn của tổ tiên, của Bác Hồ về công tác cán bộ, Nghị quyết đã thể hiện rất mới các mục tiêu cụ thể như đến năm 2020, phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực (lời dạy của Bác Hồ: phải kiểm soát quyền lực của cán bộ, đặc biệt là người có chức, có quyền), điểm rất mới là chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương (thời vua Lê Thánh Tông đã có 6 điều cấm, trong đó cấm đưa quan về nhậm chức nơi quê hương bản quán). Đến năm 2030, mục tiêu là xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng cơ cấu hợp lý... (đây cũng là lời dạy của Bác Hồ: Là cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”).
Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng đảm bảo tính khoa học, hệ thống, liên tục trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng như đến năm 2020 phải đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII); phải xây dựng vị trí việc làm và rà soát cơ cấu lại đội ngũ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết Trung ương 5 và 6, khóa XII). Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 26 được thể hiện ở 8 nội dung cụ thể nhưng cũng có hướng dẫn là khi thực hiện cần tập trung vào 2 trọng tâm và 5 đột phá.
Hai trọng tâm là: (1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ hiệu quả công tác cán bộ, chuẩn hóa, siết chặt kỷ cương, kỷ luật song song với việc tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (2) Tập trung xây dựng đội ngũ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đúng đầu cấp ủy các cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Năm đột phá là: (1) Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, đa chiều, liên tục theo các tiêu chỉ bằng sản phẩm, thông qua khảo sát công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; (2) Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; (3) Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở nơi đủ điều kiện; (4) Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực để cho cán bộ phấn đấu toàn tâm, toàn ý với công việc, có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài; (5) Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò giám sát và xây dựng đội ngũ cán bộ, cương quyết không để người dân thiếu thông tin minh bạch, đúng đắn và bị địch lợi dụng, để có dịp đối thoại về những bức xúc của người dân với cán bộ, chính quyền.
Các văn bản nghị quyết, chỉ thị của Đảng ra đời luôn có căn cứ khoa học và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề cụ thể, bức xúc không chỉ riêng với Đảng mà còn đối với nhân dân, đối với sự tồn vong của đất nước, của chế độ nhưng cũng không thể tiến hành ồ ạt, không có trọng tâm, trọng điểm, không có lãnh đạo, chỉ đạo. Hai vấn đề này liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và cán bộ điều hành các lĩnh vực công tác. Trong thời gian vừa qua, đảng viên và nhân dân đồng tình về việc Đảng đã kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh chống tham nhũng. Đảng đã mạnh dạn thi hành kỷ luật ở các mức độ khác nhau đối với cán bộ các cấp và không có vùng cấm. Báo cáo về kết quả phòng chống tham nhũng vừa qua đã chỉ ra 50 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật (có cả khai trừ khỏi Đảng) và hơn 1.300 đảng viên thuộc các diện khác bị kỷ luật vì liên quan đến tham nhũng trong đó có tới 190 vụ án hình sự với 355 đối tượng...
Chắc chắn rằng không ai muốn bị kỷ luật hoặc áp dụng kỷ luật đối với đồng chí mình nhưng không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” và đây là cách Đảng ta dạy bảo, răn đe đảng viên để không sai lầm. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhắc nhở các cấp, các ngành là phải tăng cường quản lý cán bộ là phát hiện sớm các sai phạm để ngăn ngừa từ đầu, từ gốc, phải phòng ngừa và xử lý từ sai phạm nhỏ...