Chúng tôi xin đơn cử một đảng bộ tiêu biểu trong việc nhờ nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ đã gặt hái được những thành công nhất định. Là một xã gần với trung tâm huyện lỵ Đại Từ nhưng điều kiện phát triển kinh tế ở Bình Thuận lại không mấy thuận lợi, phần lớn người dân sống nhờ vào cây lúa, cây chè, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Xã mới đạt được 15/19 tiêu chí nông thôn mới.
Nếu như hồi đầu năm, toàn xã mới có 12/19 xóm có nhà văn hóa (chưa đạt chuẩn) thì nay 100% số xóm đã và đang tu sửa, xây dựng mới nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Có được thành công đó, theo đồng chí Vũ Văn Đông, Bí thư Đảng bộ xã: Trước hết, phải kể đến sự đầu tàu, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động, đóng góp công sức, tiền của, tạo nên một sự lan tỏa lớn trong nhân. Các chi bộ đã nêu cao được vai trò lãnh đạo toàn diện nhờ tích cực đổi mới phương thức và nội dung sinh hoạt như: Chỉ báo hoãn không báo họp; phát huy tính dân chủ; nội dung sinh hoạt có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế địa phương…
Đảng viên Đặng Thành Đắc, Chi bộ xóm Đại Quyết (xã Tiên Hội) cho biết: Nếu như trước kia, sinh hoạt Chi bộ chỉ là hình thức, ngồi họp nhưng phần lớn đảng viên nói chuyện riêng là chính, nhưng nay mỗi buổi sinh hoạt Chi bộ, ngoài việc được nắm bắt nhanh các thông tin thời sự, nổi cộm trong nước, quốc tế, của tỉnh, huyện, địa phương thì chúng tôi được dân chủ bàn bạc, tham gia ý kiến vào các công việc cụ thể, thiết thực của xóm.
Sự đổi mới trong sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng không chỉ ở Đảng bộ xã Bình Thuận, Tiên Hội…, mà thời gian qua đã được triển khai đồng loạt ở 54 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Đại Từ. Hiệu quả được minh chứng trên nhiều mặt của công tác xây dựng Đảng. Nếu như năm 2008, toàn Đảng bộ huyện có 41 tổ dân phố, 6 trường học, 22 trạm y tế chưa có tổ chức đảng và còn 3 xóm “trắng” đảng viên thì đến nay chỉ còn 6 xóm chưa có chi bộ. Thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng tại cơ quan Đảng, đoàn thể, các phòng ban thuộc UBND huyện và các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, các tổ chức cơ sở đảng đã giảm từ 72 đầu mối xuống còn 54.
Trong nhiệm kỳ 2005-2010, cấp ủy huyện đã thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng bộ đồng thời là Chủ tịch UBND tại xã Đức Lương; trong nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục thực hiện chủ trương này đối với 3 xa, thị trấn; hai nhiệm kỳ qua có 90% đảng bộ các xã, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Theo đồng chí Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ: Qua thực hiện nhất thể hóa một số chức danh, cho thấy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, tạo điều kiện để tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa đội ngũ cán bộ thuộc UBND và đội ngũ cán bộ Đảng, đoàn thể; tiết kiệm thời gian, trụ sở làm việc và mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, hầu hết các đồng chí được bầu có kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý, đề cao trách nhiệm, gương mẫu và tâm huyết với công việc. Qua đó, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.
Xác định cán bộ là gốc của phong trào, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đưa vào quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn để bồi dưỡng, giới thiệu ứng cử bầu các chức dãnh lãnh đạo chủ chốt xã, thị trấn; thi tuyển các chức danh công chức xã, thị trấn theo quy định, đồng thời từng bước giải quyết chế độ, chính sách cho thôi việc đối với những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, 100% công chức xã, thị trấn đều đạt trình độ chuyên môn trung cấp trở lên; nhiệm kỳ 2015-2020, cán bộ cấp ủy cơ sở dưới chiếm 46,5% (nhiệm kỳ trước là 33%); 93% cán bộ chủ chốt xã, thị trấn có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Nhờ tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng sinh hoạt, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên, chất lượng sinh hoạt của hầu hết các chi bộ ở Đại Từ đã có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng cũng từng bước được nâng lên. Nhờ đó, hạn chế được số lượng đảng viên và tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật (từ năm 2008 đến 2017, toàn Đảng bộ Đại từ có 319/8.895 đảng viên và 1/54 tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật).