Cập nhật: Thứ ba 07/08/2018 - 14:47
Điều trị bệnh nhân lao nhiễm HIV tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên.
Điều trị bệnh nhân lao nhiễm HIV tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên.

Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS bị suy giảm hệ thống miễn dịch dẫn tới nguy cơ bị mắc nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác nhau, trong đó đồng nhiễm lao/HIV là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân. Thực tế ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đã gặp không ít khó khăn.

Người nhiễm HIV sẽ suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh lao, gia tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao. Ngược lại khi đã mắc bệnh lao thì cơ thể suy yếu, tạo môi trường làm tăng tiến triển của nhiễm HIV, làm cho suy giảm miễn dịch càng nặng hơn. Theo số liệu thống kê qua điều trị bệnh nhân Lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS mắc bệnh lao thường chiếm từ 5-7% (tính từ năm 2010 đến nay). Mặc dù tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV đến bệnh viện điều trị không ở mức cao bất thường, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm khác khi không được kiểm soát, hoặc người bệnh không chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám.

Bác sĩ Hoàng Văn Cường, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Nội 2, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên cho biết: Những người nhiễm HIV/AIDS thường ít quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh lao và không kịp thời điều trị. Nếu tử vong cũng không tìm nguyên nhân vì sao, bởi gia đình thường cho rằng bị HIV/AIDS, suy giảm hệ miễn dịch, nên đổ bệnh và tử vong. Chính quan niệm này đã khiến gia đình, người thân chủ quan và vô tình tạo điều kiện cho bệnh lao có môi trường lây nhiễm trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV thường khó khăn hơn ở người không nhiễm, do triệu chứng không điển hình và có thể bị lẫn lộn với triệu chứng của nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác xảy ra đồng thời với lao. Ở người nhiễm HIV thì ngoài lao phổi còn gặp nhiều thể bệnh lao ngoài phổi khác như: lao não, lao màng não, lao hạch, lao da, lao xương, lao màng tim-màng phổi-màng bụng, lao gan, lao lách, lao thận… Mà những thể lao này cũng gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là ở những cơ sở còn thiếu về máy móc, trang thiết bị để xác định căn nguyên vi sinh gây nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV/AIDS”.

Khó khăn trong kiểm soát, chẩn đoán bệnh là vậy, nhưng quá trình điều trị lại càng phức tạp hơn với nhóm đối tượng bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS mắc  lao. Bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, Phó giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Bệnh nhân có nhiễm HIV/AIDS nhập viện thường bệnh đã rất nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, lại ít được gia đình quan tâm chăm sóc. Nhiều ca bệnh cấp cứu, bác sĩ liên lạc với người thân chỉ nhận được câu trả lời: Gia đình không tính đến nữa. Tùy bệnh viện xử lý, chúng tôi ở xa, hoàn cảnh khó khăn không đi lại được. Mà đến cũng chẳng giải quyết được gì…. Cũng theo bác sĩ Tiền: Phần lớn bệnh nhân điều trị lao có nhiễm HIV/AIDS đều có tiền sử đã và đang sử dụng, nghiện ma túy, hoặc đang trong quá trình cai nghiện ma túy.

Chính vì vậy kiểm soát rất khó khăn. Trong số 12 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội 2 thì 8 người có phản ứng dương tính với ma túy. Những bệnh nhân này khi nhập viện cũng không có gia đình, người thân đưa đến và đa số những bệnh nhân nghiện ma túy, có tiền sử sử dụng ma túy chấp hành phác đồ điều trị không tốt, uống thuốc không đúng liều, không đúng giờ quy định và hay tự ý bỏ đi khỏi khu điều trị. Cá biệt, có một số trường hợp mang cả ma túy vào khu điều trị lén lút sử dụng, hoặc sốc ma túy tại các vị trí vắng người qua lại trong Bệnh viện. Những trường hợp này thường phải kéo dài thời gian điều trị mà ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kiểm soát bệnh lao của Bệnh viện.

Kéo dài thời gian điều trị dễ gây ùn tắc giường bệnh, tăng độ phức tạp về trật tự an ninh trong Bệnh viện. Bác sĩ Hoàng Văn Cường cho biết: “Có thời điểm bệnh nhân điều trị lao có HIV/AIDS tăng gấp hai lần số giường bệnh trong khu điều trị (22/10 giường/phòng nội trú), bệnh nhân phải nằm ghép. Nhưng vất vả, phức tạp nhất là bệnh nhân vừa điều trị lao, uống thuốc ARV chương trình phòng chống HIV/AIDS lại sử dụng ma túy. Nhiều khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu, nhân viên y tế lại quyên góp thêm tiền, huy động quỹ từ thiện trong Bệnh viện… hỗ trợ các hoạt động cấp cứu và điều trị khác”. Không tuân thủ phác đồ điều trị, không chấp hành kỷ luật của Bệnh viện… nên hiệu quả điều trị bị ảnh hưởng. Trong số hơn 1.000 bệnh nhân điều trị lao năm 2017 tại Bệnh viện, có đến gần 15% bị lao kháng thuốc. Trong đó chủ yếu thuộc nhóm bệnh nhân đã nhiễm HIV/AIDS từ trước mắc lao.

Từ thực tế này cho thấy, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa bệnh lao với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cần sự hợp tác từ phía gia đình, người thân với người bệnh. Điều trị đồng thời cả thuốc kháng lao và thuốc kháng virus ARV làm tăng gánh thuốc ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị, đồng thời gia tăng tương tác thuốc cũng như tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan, đặc biệt là ở người đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan virus B/C. Đặc biệt, gián đoạn điều trị do tác dụng phụ của thuốc và do tuân thủ điều trị không tốt, lao kháng thuốc và HIV kháng thuốc là những thách thức lớn trong điều trị đồng nhiễm lao/HIV.                                                                

Trần Nguyên