Cập nhật: Thứ hai 20/08/2018 - 15:00

Tất cả họ đều có chung một trạng thái tâm lý chán nản, đau đớn, thậm chí là muốn chết. Đó là những người mới phát hiện ra trong cơ thể mình có vi rút HIV. Họ bắt đầu lục tung trong “bộ nhớ” của mình để tìm thủ phạm. Họ lặng đi, miệng cứng lại - Đúng rồi, còn ai khác nữa…

Đó là diễn biến thường gặp ở những người đàn bà bị lây nhiễm HIV từ chồng. Bởi chưa bao giờ họ đi xa nhà, chưa một lần tiêm chích ma túy và chỉ biết làm vợ, đẻ con với chồng mình. Vậy mà bị lây nhiễm căn bệnh HIV.

Chị Dương Thị Hà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) kể: Tôi phát hiện trong cơ thể có vi rút HIV từ hơn 10 năm nay. Nhưng do sống điều độ, uống thuốc ARV đều đặn, tâm lý vững, sẵn sàng đón nhận điều xấu nhất đến với mình. Cứ vô tư mà khỏe.

Chợt nụ cười ngưng lại trên khuôn mặt nám vì tuổi tác, chị trở lại với con người thật của mình. Chị trải lòng: Cứ cười, nói thế thôi, thực tình thì lòng tủi lắm. Vì sống ở đời có ai muốn mình bị mang căn bệnh thế kỷ. Nhất là lúc mới phát hiện ra bệnh, đủ thứ nghi kỵ, dèm pha. Chị kiềm chế, nhẫn nhịn, nhất là sau ngày chồng mất vì căn bệnh AIDS. Bà con lối xóm vẫn thường xuyên qua lại, động viên chị ổn định tư tưởng, chịu khó làm lụng nuôi 2 đứa con. Rất may, cả 2 con của chị đều âm tính với HIV.

Cùng cảnh chồng chết vì căn bệnh AIDS, chị Phan Thị Ánh, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) một thân nuôi con trong điều kiện việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhưng chị luôn gắng gượng vượt lên sự kỳ thị, nỗi đau thân phận để nuôi các con khôn lớn. Chị kể: Sau ngày chôn cất chồng, tôi đưa các con đi xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm, cháu gái lớn sinh năm 2002 âm tính với HIV, còn cháu trai sinh năm 2003 dương tính với HIV. 15 năm nay, tôi và cậu con trai luôn tuân thủ phác đồ điều trị HIV do bác sĩ chỉ dẫn. Vì thế sức khỏe ổn định. Nhiều lần tôi động viên con trai cố gắng học tập để sau này trở thành bác sĩ giỏi. Và tôi luôn mong đến một ngày gần nhất, các nhà khoa học tìm được thuốc chữa căn bệnh này. 

Đang tươi cười mà chị buồn ngay được. Chị cúi mặt, mắt ngấn nước nhưng không dám khóc. Vì từ lâu, trong căn nhà này, chị là trụ cột, là điểm tựa cho 2 đứa con cả về vật chất và tinh thần. Cảm thông, tôi cũng chỉ biết động viên chị yên tâm điều trị, để sống tốt như bao người không may mắn khi mắc phải căn bệnh HIV.

Nói như thế, nhưng tôi biết trong cuộc đời có nhiều lắm những cay nghiệt, kỳ thị. Và lúc căn bệnh thế kỷ được phát hiện, tình vợ chồng như lửa bếp đã tàn, người trong cuộc chỉ muốn xổ tung tất cả. Đó là câu chuyện buồn của chị Trần Thị Phương, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên). Chị kể: Khi phát hiện mình bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ chồng, tôi choáng váng, khóc ngất. 3 ngày sau, tôi mua thuốc ngủ, uống thuốc để tự tử, nhưng được phát hiện, rửa ruột kịp thời nên không chết. Nửa tháng sau tôi dùng dao nhọn cắt động mạch ở cổ tay mong được chết. Lúc lưỡi dao vừa bén vào thịt, máu bắt đầu chảy ra sàn nhà, mẹ tôi chạy lại, gào gọi mọi người đưa đi cấp cứu. Tôi không chết, nhưng sau lần đó tôi nhận ra mình quá ích kỷ, để mẹ già đã hơn 80 tuổi mỗi bữa phải bưng cháo bón cho tôi từng thìa. Rồi đứa con nhỏ khi đó mới đầy 2 tuổi, bi bô gọi: Mẹ ơi đừng chết.

Chị cay đắng kể lại ngày mới phát hiện ra trong cơ thể mình có vi rút HIV. Và cũng như hàng trăm người phụ nữ Thái Nguyên khi cầm trong tay kết quả dương tính với HIV tôi gặp, đều mang một tâm trạng chán nản, buồn bực và có ý nghĩ tiêu cực, muốn quyên sinh như chị. Nhưng tất cả họ khi đã vượt qua cú sốc tinh thần, đều nhận ra rằng cần phải sống.

Chị Hoàng Thị Dung, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) kể: Năm 2002, vào bệnh viện sinh nở. Tại đây, các bác sĩ “thông báo” tôi bị nhiễm HIV. Hôm đó, chồng tôi đã khóc như đứa trẻ. Anh ấy nói: Từ năm trước, thấy mấy thằng bạn thân hay chích ma túy với nhau bị chết, anh biết mình khó tránh bị lây nhiễm HIV. Nhưng không dám nói, vì sợ em buồn. Tôi choáng váng, đêm ấy định uống luôn mấy vỉ thuốc ngủ cho hết nỗi đau đời, nhưng nhìn đứa con đỏ hỏn, khóc oe oe bên cạnh, tôi thấy mình không thể chết.

HIV - căn bệnh thế kỷ. Một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Vì căn bệnh này đã có bao gia đình tan nát, khổ nhất là những phụ nữ, sống có thủy chung, nhất mực yêu chồng, thương con, nhưng lại trở thành nạn nhân. Rồi nữa là những đứa trẻ, nơm nớp no âu đến một ngày bố mẹ mình bị căn bệnh thế kỷ lấy đi sự sống.

Từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng Nhà nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để từng bước hạn chế sự lây lan của căn bệnh này trong cộng đồng, như việc hỗ trợ cho các nhóm: “Giáo dục đồng đẳng”; “Bạn giúp bạn”; câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”; câu lạc bộ “Hoa Hướng dương” hoạt động. Cả xã hội cùng vào cuộc, nhưng căn bệnh thế kỷ vẫn âm thầm lây lan. Bởi mỗi ngày ở những “xó xỉnh” nào đó, vẫn đang diễn ra việc tiêm chích ma túy bất hợp pháp; và không ít các “thương vụ” mua bán thân xác còn diễn ra. Chỉ mong, mỗi người trong xã hội cần biết cách phòng, tránh, không để mình trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Cao Nguyên