Qua các đợt kiểm tra mới đây của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là về nhận thức. Lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ở cả 3 cấp trong tỉnh (tỉnh, huyện, xã) đều nhận thức được vai trò của việc ứng dụng CNTT để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và CCHC. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, CNTT thực sự là công cụ hữu ích giúp công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, bộ máy hành chính của tỉnh hoạt động hiệu lực, hiệu quả và là công cụ xóa đi khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, CNTT đã được ứng dụng dùng trong điều hành của cơ Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông kết nối dữ liệu với nhau. Hệ thống quản lý văn bản điều hành các cấp trong tỉnh với hơn 900 đơn vị đang kết nối liên thông, trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số. Do vậy, đến hết quý III-2018 tổng số văn bản điện tử được gửi và nhận trong các cơ quan Nhà nước trên toàn tỉnh đạt khoảng 400 nghìn văn bản. Riêng hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối liên thông với 100% hệ thống một cửa cấp huyện và 180 xã, phường và thị trấn, 9/19 sở, ngành với gần 100 thủ tục hành chính ở mức độ 3,4. Kết quả này đã góp phần làm cho Chỉ số cải cách hành chính (Par index) của tỉnh năm 2017 tăng 24 bậc so với năm 2016. Hệ thống hạ tầng CNTT trên dịa bàn tỉnh đang từng bước được xây dựng để đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyển điện tử trong các năm tới đây. Trong đó, có sự thâm rất tích cực của các đơn vị cung cấp dịch vụ như: VIETEL, VNPT…
Ban hành kiến trúc chính quyền điện tử đã được các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức có văn bản ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0. Thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên và bắt đầu định hình từ năm 2008. Mặc dù nguồn kinh phí thực hiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 lớn nhưng các cấp trong tỉnh đã, đang lựa chọn cách đi phù hợp nhất theo đúng định hướng của Chính phủ và của tỉnh đã phê duyệt như sử dụng phần mềm mã nguồn mở để tiết kiệm chi phí, ít lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đồng chí Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh nâng cấp và hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước ở các cấp, đảm bảo quản lý tập trung và thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Song song với đó ngành Thông tin và Truyền thông tập trung vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kết nối, liên thông dữ liệu của kiến trúc chính quyền điện tử.
Để việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước thực sự hiệu quả, có sự bứt phá, Sở Thông tin và Truyền thông, các ngành liên quan đang tham mưu để UBND tỉnh ban hành các chính sách cụ thể trong việc sử dụng, vận hành hệ thống CNTT để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Cụ thể, cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương trên địa bàn tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung, các hệ thống thông tin dùng chung, các hệ thống kết nối liên thông dữ liệu, hồ sơ điện tử, văn bản điện tử. Đồng thời, cơ quan Thường trực về CCHC và các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục triển khai ứng dụng chữ ký số toàn diện trong tất cả các cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo tính pháp lý của hệ thống điện tử cũng như an toàn thông tin…
Việc mạnh dạn ứng dụng CNTT vào thực hiện công tác chuyên môn của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả thiết thực và yêu cầu này nên được thực hiện quyết liệt hơn nữa ở cả 3 cấp trong tỉnh trong những năm tới.