Trước thực tế, các thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình giải quyết kéo dài, tốn kém thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều tỉnh, thành đã hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử 4.0 bằng ứng dụng giải quyết TTHC trên mạng Zalo. Tính đến nay, toàn quốc đã có gần 30 tỉnh, thành ứng dụng mô hình trên. Trong đó, cơ bản các tỉnh triển khai ngay từ đầu năm 2018, một số tỉnh, thành khác như: Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, thành phố Đà Nẵng… mới đây cũng đã đã hoàn tất phương thức ứng dụng thông minh này.
Trước khi thực hiện các thao tác giải quyết TTHC qua mạng, người dân, DN sẽ được bộ phận “một cửa” của tỉnh cấp giấy biên nhận, trên đó có lưu một mã QR. Bằng cách quét mã QR này trên ứng dụng Zalo, người dân, DN sẽ nhận được đầy đủ thông tin tiến độ xử lý hồ sơ, đồng thời được đánh giá thái độ và kết quả công việc của các cán bộ tại bộ phận “một cửa”. Đặc biệt, người dân, DN có thể nhắn tin trao đổi trực tiếp với bộ phận “một cửa” mỗi khi có thắc mắc hay cần góp ý qua tính năng trò chuyện của Zalo để được kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, người dân cũng cập nhật được những chính sách mới, tin tức hành chính công của tỉnh ngay trên ứng dụng Zalo.
Như vậy, mô hình này giúp người dân, DN có thể tra cứu và nhận kết quả qua hệ thống mạng Zalo của hơn 2.000 TTHC, như: cấp giấy phép lái xe, đăng ký giấp phép xây dựng, giấy sở hữu nhà đất, đăng ký kết hôn, hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh, giải quyết khiếu nại, tranh chấp... Qua thực tế cho thấy, thay vì phải trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, người dân, DN có thể thực hiện các thao tác đơn giản, nhanh chóng ngay trên điện thoại của mình. Ngược lại, chính quyền địa phương cũng có thể gửi các thông tin tương tác với người dân, DN một cách đầy đủ, chính xác và nhanh nhất trên môi trường mạng. Thời gian tích hợp thành công hệ thống chính quyền thông minh có thể chỉ trong vòng hai tuần.
Điểm đáng quan tâm là, việc áp dụng qua mạng Zalo sẽ giúp người quản lý theo dõi được hồ sơ, TTHC đang được chuyên viên thuộc sở, ngành, đơn vị nào xử lý, tình trạng ra sao và cập nhật nhanh ngày nhận kết quả nếu hồ sơ được giải quyết xong sớm hơn dự tính. Mặt khác, đây là mô hình mang tính công khai minh bạch, làm hài lòng người dân và DN.
Sau khi triển khai, thấy được tính ưu việt của mô hình, không chỉ dừng lại ở mức tra cứu, nhận kết quả hồ sơ, một số địa phương đã lên kế hoạch để người dân, DN có thể làm thủ tục trực tiếp trên Zalo, bằng cách điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua Zalo đến bộ phận “một cửa” của tỉnh. Theo đánh giá chuyên môn, nếu thành công, mô hình này sẽ giải quyết triệt để những rào cản trong công tác CCHC hiện tại, tạo ra kết quả đột phá cho cả chính quyền lẫn người dân và DN.
Thái Nguyên là tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hơn nữa lại là điểm sáng về thu hút đầu tư của cả nước, nên áp lực về giải quyết các TTHC rất lớn. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện công tác CCHC khá tích cực và rõ nét, song chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Mặt khác, dù đã tích cực đầu tư nhân lực, phương tiện, cải tiến phương pháp, công nghệ trong giải quyết TTHC, nhưng theo đánh giá vẫn còn hạn chế, mức độ tiệm cận tới mục tiêu chính quyền điện tử hay chính quyền thông minh vẫn ở mức trung bình. Trong khi đó, một số tỉnh lân cận có những nét tương đồng với chúng ta lại đã triển khai thực hiện mô hình thông minh này. Do đó, không có lý do gì chúng ta lại không quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng mô hình chính quyền thông minh để không chỉ giảm áp lực cho chính quyền về giải quyết các TTHC, giúp người dân, DN tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn góp phần cải thiện chỉ số CCHC, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào địa phương.