Tới Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ vào giờ tập văn nghệ, chúng tôi gặp học viên Nguyễn Văn Thắng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đang say sưa tập hát để chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới. Năm 1999, vừa học xong cấp 3, anh Thắng đi học nghề sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng riêng. Làm nghề được 1 năm thì "bập" vào ma túy, khi đó anh mới 20 tuổi. 18 năm lao đao, khổ sở với ma túy, học viên Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Tôi đã đánh mất thanh xuân, thời gian, tiền của, tương lai và lòng tin của những người thân chỉ vì ma túy. Sau hơn 1 năm điều trị theo phác đồ tại Cơ sở, tôi cảm thấy việc cai nghiện đã có thể thành công, hơn lúc nào hết, tôi muốn tìm lại cuộc đời thanh thản khi xưa và lại có được niềm tin yêu của người thân và bạn bè.
“Thâm niên” nghiện không bằng học viên Nguyễn Văn Thắng, học viên Phạm Văn Đông ở phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên với khoảng 10 năm chìm đắm trong làn khói trắng cũng cảm thấy cai nghiện là việc có thể thực hiện được tại Cơ sở. Học viên Đông cho biết: Bản thân đã cai nghiện ở nhiều nơi nhưng vẫn tái nghiện, gia đình đã không còn tin tưởng và lo lắng. Qua 6 tháng học tập, sinh hoạt ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ, tôi cảm nhận được sự tình cảm, quan tâm chân thành của các thầy, đặc biệt là việc hướng thiện cho các học viên. Tại đây, hàng ngày tôi chăm chỉ học thêm nghề mộc dân dụng, để dứt hẳn với ma túy và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày về với gia đình, xin việc làm nuôi sống bản thân.
Với quan điểm “người nghiện ma túy là người bệnh" và "cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, từ năm 2016 đến nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện Đồng Hỷ luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch huyện giao. Riêng năm 2018, Cơ sở đã tiếp nhận và cai nghiện cho 54 học viên cai nghiện ma túy tự nguyện, bằng 270% kế hoạch; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 92 người nghiện ma túy, bằng 115% kế hoạch. Đến hết tháng 6-2018, cơ sở đã bàn giao về cho các xã thị trấn 34 học viên, hiện có mặt tại cơ sở 20 học viên.
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ cho biết: Do đặc điểm người vào cai nghiện ma túy hiện nay phần lớn do sử dụng ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng tới não bộ nên việc cắt cơn, chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng điều trị, Cơ sở cũng luôn lấy người cai nghiện làm trung tâm, phác đồ điều trị, cơ sở vật chất chữa bệnh đều được trang bị đầy đủ để phục vụ cho quá trình cai nghiện của bệnh nhân. Sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được cán bộ y tế của đơn vị tiến hành kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để lập kế hoạch điều trị phù hợp. Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, lập phác đồ điều trị cắt cơn, quá trình điều trị cắt cơn thường kéo dài từ 15 ngày đến 1 tháng, tùy đối tượng. Trong khoảng thời gian cắt cơn đầy khổ ải này, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ tại Cơ sở sẵn sàng thức thâu đêm, suốt sáng để đồng hành cùng học viên. Hiện, Cơ sở còn triển khai các phương pháp hiện đại nên đã giảm bớt những vật vã, khó chịu của hội chứng cai, giúp học viên nhanh chóng vượt qua giai đoạn đầu cắt cơn.
Để nhanh hồi phục sức khỏe cho học viên, cơ sở đã xây dựng phòng tập phục hồi chức năng; những trường hợp cần thiết sẽ được đưa lên cơ sở y tế tuyến trên điều trị. Cùng với đó, Cơ sở có một không gian rộng thoáng, trong xanh, mát lành. Vườn cây, ao cá được bố trí cạnh nhau để bệnh nhân luôn có cảm giác thư thái, dễ chịu, giúp họ sớm bình phục và khỏe nhanh hơn. Bữa ăn, giấc ngủ của người bệnh cũng được quan tâm triệt để, đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, học viên còn được dạy nghề như: xây dựng phổ thông, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông lâm nghiệp…; tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao do đơn vị tổ chức. Từ năm 2016 đến nay, các đợt học viên đã trồng được 240 cây bưởi, 100 cây ổi, 200 cây chanh đào, đào ao thả cá trên diện tích 1.200m2, các đàn lợn, gà, vịt được duy trì hằng năm, rau xanh bình quân mỗi tháng đạt 300kg.
Ông Nguyễn Quang Trung cũng cho biết thêm: Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có 22 học viên của Cơ sở cai nghiện thành công và làm thủ tục công nhận tái hòa nhập cộng đồng, cho ra khỏi danh sách người nghiện ma túy tại địa phương. Do thực hiện tốt việc khám phân loại, chăm sóc, điều trị nên phần lớn học viên sau thời gian cắt cơn đều tăng cân, sức khỏe tốt. Kết thúc thời gian điều trị, lao động trị liệu theo quy định đều bảo đảm yêu cầu và bàn giao về gia đình. Từ thực tế điều trị cho những người nghiện ma túy, tôi cho rằng, để giúp người nghiện từ bỏ được ma túy, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị và nỗ lực, quyết tâm của các học viên, thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai. Ngoài ra, cần sự phối hợp, tạo điều kiện về việc làm để họ có thể ổn định cuộc sống, là đòn bẩy giúp họ đoạn tuyệt với ma túy và trở thành người có ích cho cộng đồng.