Cập nhật: Thứ hai 10/09/2018 - 11:01
Nhà máy Kẽm điện phân (Khu công nghiệp Sông Công I) từng là một cơ sở gây ô nhiễm môi trường khiến người dân trong khu vực tụ tập phản đối, nay tình trạng này đã được cải thiện rất đáng kể.
Nhà máy Kẽm điện phân (Khu công nghiệp Sông Công I) từng là một cơ sở gây ô nhiễm môi trường khiến người dân trong khu vực tụ tập phản đối, nay tình trạng này đã được cải thiện rất đáng kể.

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn. Đây là lĩnh vực luôn được dư luận quan tâm bởi nó ảnh hưởng thường xuyên, sát sườn tới cuộc sống của người dân. Vậy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã, đang và sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên - Môi trường) về vấn đề này.

P.V: Công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực từ sự nỗ lực, quan tâm của các cấp, ngành chức năng và ý thức, nhận thức chung của cộng đồng về lĩnh vực này được nâng lên. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Liên: BVMT là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), sự vào cuộc ngày càng quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương và ngành liên quan. Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 (tiếp nối Đề án các giai đoạn trước) đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp. Theo đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Các chủ trương, quy định của pháp luật về BVMT được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ngành TN-MT và các địa phương đã quan tâm đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải ở nông thôn. Hạ tầng BVMT tại khu công nghiệp đã được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hệ thống quan trắc, giám sát môi trường trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư khá hiện đại, đảm bảo quy định. Việc quản lý chất thải rắn được triển khai theo hướng công nghiệp, tập trung, phù hợp với quy hoạch…

Đặc biệt là công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT ngày càng được tăng cường, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành chức năng đã tiến hành trên 500 cuộc thanh, kiểm tra, xử lý hành chính 130 cơ sở vi phạm quy định về BVMT với số tiền phạt gần 6 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, riêng Chi cục BVMT đã tiến hành 25 cuộc kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm 5 đơn vị.

Với những nỗ lực và giải pháp trọng tâm đó, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Những vấn đề bức xúc về môi trường từng bước được giải quyết, tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thời điểm cao nhất có 15 cơ sở); thời gian gần đây không xảy ra các vụ khiếu kiện, tụ tập đông người phản ánh về ô nhiễm môi trường; sự gia tăng ô nhiễm môi trường được kìm chế trong khi tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; chất lượng môi trường tại nhiều khu vực đã được cải thiện…

P.V: Đó là những chuyển biến rất đáng mừng và khiến người dân yên tâm hơn về möi môi trường sống. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn còn hạn chế, khó khăn và luôn phức tạp... Theo bà đâu là nguyên nhân?

Bà Hoàng Thị Liên: Dù đã có chuyển biến tích cực nhưng công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế và nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây khá nhanh, số lượng các cơ sở sản xuất ngày càng nhiều đã tạo thêm áp lực cho công tác BVMT, kiểm soát và kìm chế ô nhiễm. Hạ tầng kỹ thuật BVMT trong các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Còn những cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu, trang trại chăn nuôi nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Nước thải, rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, nhất là việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các bãi rác nhỏ theo hình thức chôn lấp chưa đáp ứng tiêu chuẩn nên gây ô nhiễm cục bộ…

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, đó là nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT từ ngân sách và của chủ các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng, thứ hai là ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thấp. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đầy đủ và duy trì hệ thống xử lý chất thải đúng quy định mà chỉ mang tính chất đối phó. Các vi phạm pháp luật về BVMT ngày càng tinh vi, phức tạp, khó kiểm soát. Trong khi đó, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT của một số địa phương còn hạn chế. Chính sách, pháp luật về BVMT còn những bất cập, chưa được hướng dẫn, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời.

P.V: Trước những hạn chế và khó khăn này, các cấp, ngành chức năng, nhất là Chi cục BVMT sẽ tập trung vào những giải pháp gì để giảm thiểu ô nhiễm, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Liên: Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và BVMT của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã nêu ra nhiều giải pháp phù hợp và cho thấy hiệu quả khá rõ rệt. Các giải pháp này sẽ được các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là ngành TN-MT đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT sẽ là giải pháp được quan tâm hàng đầu. Đồng thời tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, rác thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, xử lý lượng chất thải chăn nuôi đang gia tăng nhanh; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, dự án phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Khi những giải pháp này được triển khai đồng bộ, thiết thực cộng với nhận thức, ý thức của cộng đồng được nâng cao thì công tác BVMT sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Trần Quyền
Thực hiện