Cập nhật: Thứ tư 03/10/2018 - 11:56

- Cà phê đi em? Tôi gọi. Đầu thoại bên kia lưỡng lự giây lát, rồi… - Ok đi anh!

Ít năm trước, câu trả lời “Ok đi anh”, đồng nghĩa với việc chị đã thỏa thuận xong hợp đồng ái tình với một người đàn ông nào đó, miễn là họ có tiền. Nhưng từ lâu, chị bỏ hẳn nghề bán thân cho thiên hạ mua vui. Chị lấy chồng, mưu sinh nhờ vào quầy bán quần áo ở chợ Thái.

Chị tên Hiền, nhà ở khu vực ngã ba Mỏ Bạch (T.P Thái Nguyên). Hỏi về nguyên nhân bị lây nhiễm căn bệnh HIV, chị bộc bạch: Tôi không biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng, hay chồng bị lây nhiễm HIV từ tôi. Vì khi sinh nở (năm 2006), tôi được bác sĩ cho biết mình có HIV. Chồng đi xét nghiệm cũng có HIV. Nhưng rất mừng là “cún con” của chúng tôi, sau nhiều lần làm xét nghiệm đều có kết quả âm tính HIV.

Chị tưng tửng nói chuyện về căn bệnh thế kỷ vợ chồng chị đeo mang. Nhưng tôi biết vợ chồng chị phải kiềm chế, nén thật sâu vào đáy lòng. Bởi con của vợ chồng chị đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chị bảo: Con gái tôi sẽ nghĩ như thế nào khi biết về quá khứ tội lỗi của bố mẹ nó?

Nụ cười vụt tắt, câu chuyện về một quá khứ buồn được bắt đầu bằng giọt nước mắt chát đắng chảy dài trên khuôn mặt: Năm 17 tuổi, chị trở thành đàn bà. Chị vẫn nhớ cái mùi cỏ ngai ngái đêm ấy ở bờ sông Cầu. Chị chưa kịp “nhai nuốt” hạnh phúc đầu đời thì người đàn ông ấy bảo: Rất tiếc, anh không thể mang lại hạnh phúc cho em, vì anh đã có một gia đình.

Chợt chị tháng thốt: Sao ngày ấy mình dốt thế. Bị nó lừa tình nhưng vẫn cứ lao vào như con thiêu thân thấy ánh lửa. Song tôi tiếc là lúc bố mẹ phát hiện ra cuộc tình ngang trái, các cụ không khuyên răn điều hơn lẽ thiệt, mà nổi giận đùng đùng đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi còn biết đi đâu ngoài việc tìm người đàn ông của mình. Nhưng không ngờ người mình tin tưởng nhất lại đang tâm bán tôi cho những người đàn ông khác. Tôi vũng vẫy, cự tuyệt, bất lực và dần mặc kệ cho ai muốn làm gì thì làm. Tôi cần có tiền để sống.

Nhờ có nhan sắc nên chị được nhiều đàn ông bợ nịnh, mời tham gia các cuộc uống bia rượu, hát karaoke và rủ đi nghỉ mát ở biển, ở rừng. Chị thấy thoải mái vì nhờ họ mà được đi máy bay, tàu hỏa xuyên dọc đất nước. Nhưng cái “nghề ái tình” tàn phá nhan sắc nhanh chóng, chỉ sau 3 năm, chị trở thành kẻ đứng nhìn đám đàn em ríu ran điện thoại, hò hẹn. Chị biết mình đã là gái già trong làng chơi, là một kẻ bỏ đi không hơn không kém. Họa hoằn mới có một khách choai mới lớn, hoặc anh xe ôm xa vợ đến trả cho chị ít tiền để thử mùi đời.

Chị thờ dài: Đang lúc túng quẫn thì một người đàn ông xuất hiện. Anh không vồ vập mà nhẹ nhàng, dửng dưng, cả cái tên của tôi cũng không hỏi. Sau một tuần ăn ở với nhau, anh bảo: - Làm vợ anh nhé? Tôi lấp lửng: - Thì cũng đang làm “vợ” anh đó thôi. - Không, từ nay chỉ một mình anh là chồng em?... Hôm ấy tôi bật khóc. Vì từ lâu, tất cả những người đàn ông đến với tôi, họ chỉ thực hiện hợp đồng mua bán ái tình. Còn anh, một người từng nghiện ngập ma túy, buôn bán ma túy rồi trả giá bằng năm tháng tù tội, lại không quan trọng chuyện ấy, mà muốn tôi có cuộc sống của một con người.

Dù không “tay ôm cơi trầu, đầu đội lễ cưới” như  bao cặp vợ chồng mới, nhưng 2 người về ở với nhau trong gian phòng trọ ẩm mốc mà tiếng cười nói ấm áp, ân nghĩa. Họ cùng bỏ đi những năm tháng buồn tủi không đáng nhớ, để làm người lương thiện. Để mưu sinh, hằng ngày, anh đi phụ xây, được bao nhiêu tiền đều mang về cho vợ chứ không đốt vào ma túy. Còn chị dành dụm tiền mua được chiếc xe máy cũ, hằng ngày đi mua gom chè về bán cho các đại lý. Khi lưng vốn đã khá hơn, vợ chồng chị thuê ki ốt ở chợ Thái bán, sửa quần áo. Chị bảo: Nhờ có tình yêu, nên tôi cùng chồng đã có những ngày tháng sống thật đẹp. Chúng tôi đã tìm lại được chính mình, đó là một cuộc sống giản dị, bình yên và con gái của chúng tôi ngoan, chăm chỉ học tập. Còn bố mẹ tôi, khi biết con gái mình hư hỏng đã đau đớn tuyên bố từ mặt. Mãi sau này các cụ mới ân hận, bảo: Giá như ngày ấy không đuổi con gái ra khỏi nhà. Giá như trước đây biết quan tâm hơn đến con gái… Và bây giờ, dù biết vợ chồng tôi đều có HIV, nhưng các cụ cảm thương, chia sẻ, cuối tuần các cụ lại đến đón cháu gái về để bù đắp cho cháu vơi bớt thiệt thòi.

Chị dừng lời vì câu chuyện làm hạnh phúc ùa về. Nhìn nụ cười tươi tắn, nếu không được nghe chị trải lòng, tôi sẽ không bao giờ biết người phụ nữ phúc hậu đang ngồi trước mặt mình lại có một quãng đời buồn tủi, một người đang chung sống với căn bệnh HIV, nhưng lại lạc quan, yêu đời và hăng hái giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Chí Cường