PV: Xin đồng chí cho biết có hay không đường dây thực phẩm “bẩn” được đưa vào bếp ăn của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh (TTQP-AN)?
Đ/C Lý Văn Cảnh: Ngày 4-10, chúng tôi đã thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm các cơ quan (Chi cục ATVSTP, Công an tỉnh, Công Thương, Nông nghiệp và chính quyền địa phương) tiến hành kiểm tra đột xuất quy trình thu mua, chế biến tại bếp ăn TTQP-AN. Sau khi tiến hành kiểm tra độc lập theo từng lĩnh vực của từng cơ quan chuyên môn, chúng tôi khẳng định: Không có thực phẩm “bẩn” đưa vào chế biến và cũng không có đường dây tổ chức đưa thực phẩm “bẩn” vào bếp ăn TTQP-AN để chế biến cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên ăn hàng ngày như dư luận đã thông tin.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số vấn đề có nguy cơ gây mất ATVSTP, như: Nhân viên dùng bao tay tùy tiện (Dùng bao tay khi trực tiếp chia phần tiếp thức ăn chín xong lại bê rổ, khay đựng bát, đũa…); quá trình di chuyển từ vị trí sơ chế đến nơi chế biến thức ăn chín, nhân viên không thay dép, ủng bảo hộ; dùng một đôi ủng, đôi dép đi lại nhiều vị trí trong bếp và khu vực phòng ăn…
PV: Theo đồng chí, điều gì khiến dư luận hoài nghi về mức độ an toàn thực phẩm tại đây?
Đ/C Lý Văn Cảnh: Với một quy mô bếp ăn phục vụ cho hàng nghìn người ăn mỗi bữa, mức độ tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Dư luận có quyền đặt câu hỏi nhân viên bếp ăn mua ở đâu số lượng thực phẩm nhiều đến thế, liệu có việc trà trộn cả thực phẩm không bảo đảm chất lượng vào hòng kiếm lời? Sao không cho học viên chủ động lo bữa ăn hàng ngày? Trên thực tế hoạt động ăn tập trung là quy định của giáo dục QP-AN, mọi học viên đều phải chấp hành đúng chế độ, định mức và khẩu phần ăn bình đẳng như nhau, không có chế độ ăn riêng. Bên cạnh đó, thời gian 3-4 năm trở lại đây, bếp ăn TTQP-AN chỉ phục vụ hơn 400 suất ăn/ngày (vì gần một năm trở lại đây, sinh viên các trường giảm, do khó khăn tuyển sinh).
PV: Đồng chí có thể cho biết cụ thể những phần việc của Đoàn kiểm tra?
Đ/C Lý Văn Cảnh: Chúng tôi đã làm các Test xét nghiệm đo có tồn dư trên thịt, giò, chả, rau xanh về các chất Formon, hàn the, thuốc bảo vệ thực vật bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên tại bếp và trên giá chở hàng của nhà thầu cung cấp thực phẩm. Tất cả đều cho kết quả âm tính, không có các chất này trên thực phẩm khi mang vào bếp chế biến. Về phía ngành Nông nghiệp cũng đã có kết quả xét nghiệm không có các chất cấm trong rau, thịt và thực phẩm mua bán đều truy xuất được nguồn gốc. Ngành Công Thương cũng xác định rõ nguồn gốc, quá trình hợp đồng mua bán, bao tiêu, dịch vụ cung ứng… đều bảo đảm khớp thời gian và đúng quy định pháp luật. Ngành Y tế kiểm tra 100% số người có liên quan đến chế biến, quản lý đều đã có giấy chứng nhận đủ sức khỏe, qua bồi dưỡng kiến thức về ATVSTP. Chúng tôi cũng đã tổ chức Đoàn liên ngành trực tiếp đến cơ sở chế biến đậu phụ kiểm tra đối chiếu và làm các xét nghiệm theo quy định.
Có hai thông tin về mất ATVSTP khi chúng tôi được tiếp nhận, đó là: Bí đỏ đưa vào bếp ăn ngày 20-9-2018, chế biến mất vệ sinh và đậu phụ “bẩn. Tuy nhiên, qua đối chiếu sổ giao nhận hàng hóa và các hóa đơn thì ngày đó đều không có món bí trong thực đơn cũng như các đơn hàng. Về đậu phụ, thì cơ sở hợp đồng bán cho nhà bếp TTQP-AN lại có quy trình khá hiện đại, sạch sẽ, không như thông tin dư luận đề cập.
Cụ thể: Dây chuyền sản xuất đều vận hành bằng máy móc, một số khâu được thiết kế bán tự động, không dùng đến tay ép đậu trực tiếp. Hệ thống làm nhiệt bằng nồi hơi hiện đại đun điện và có nhiệt kế báo ở từng vị trí. Không gian thông thoáng và không có vị trí đọng nước. Sản phẩm làm ra đến đâu được chuyển ngay đến các quầy hàng, nhà bếp theo hợp đồng, nên không có hàng tồn.
Trước các kết qủa kiểm tra, chúng tôi yêu cầu bếp ăn TTQP-AN phải tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất để duy trì tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của Trung tâm.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!