Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Hỷ hiện có 4 thành viên gồm 1 phó trưởng ban, hai chuyên viên và trưởng ban hiện nay cũng là chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. “Từ thực tế công việc, tôi đánh giá hai cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, hoạt động có nhiều nội dung gần nhau. Ban Dân vận vừa là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo công tác dân vận, lại vừa tổ chức triển khai trong hệ thống mặt trận, đoàn thể, các tổ chức thành viên, do vậy, khi một người thực hiện đồng thời hai chức danh thì việc tiếp nhận chủ trương và thực hiện sẽ nhiều thuận lợi, kịp thời, nhanh chóng, chính xác hơn. Cụ thể như Ban Dân vận tham mưu cho cấp ủy về công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tiếp đó MTTQ là đơn vị cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền vận động quần chúng. Thông qua triển khai các hoạt động, đồng chí Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ nắm bắt hoạt động của MTTQ, các tổ chức thành viên sát sao hơn, từ đó tham mưu cho cấp ủy về hoạt động của khối này sẽ hiệu quả hơn”, đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ.
Còn đồng chí Hà Văn Quang, Trưởng ban Dân vận, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Võ Nhai cho biết: Ở Võ Nhai, mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đã được thực hiện từ năm 2008 đến nay, qua nhiều người đảm nhiệm khác nhau. Theo tôi, một người thực hiện đồng thời 2 chức danh, dù không mới nhưng công việc sẽ rất nặng nề, đòi hỏi người cán bộ phải thật sự tâm huyết. Để làm tốt vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ, mỗi người phải luôn phát huy tinh thần trách nhiệm; không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó có những đề xuất, kiến nghị hợp lý kịp thời đối với lãnh đạo huyện.
Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, hàng chục hộ dân xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) tự nguyện lùi hàng rào, hiến đất mở rộng đường giao thông.
Cũng như Đồng Hỷ, Võ Nhai, huyện Phú Lương cũng thực hiện mô hình này từ tháng 6-2018. Đồng chí Lèng Hữu Hiền, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương cho biết thêm: Thực hiện chủ trương này đã hạn chế được số lượng các cuộc họp ở cấp huyện, giúp quá trình triển khai nhiệm vụ tới các đơn vị, địa phương được thuận hơn. Cụ thể như vừa qua chúng tôi tổ chức giao ban quý III, Ban Dân vận Huyện ủy và Ủy ban MTTQ huyện tổ chức 1 hội nghị. Cuộc họp ngoài thành phần lãnh đạo MTTQ các xã, thị trấn, chúng tôi mời các đồng chí phó bí thư đảng ủy (trưởng khối dân vận), các công việc được triển khai đảng ủy nắm rõ, khi về địa phương chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả (trước đây lãnh đạo MTTQ sau khi họp về phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của đảng ủy).
Thực tế tại cơ sở chúng tôi nhận thấy sau một thời gian triển khai chủ trương Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ sự thay đổi này không chỉ giúp giảm đầu mối, giảm con người, tiết kiệm cho ngân sách mà quan trọng là tạo được bước đột phá trong quá trình sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một đồng chí đứng đầu hai cơ quan có lợi thế là nắm được công việc, chia sẻ, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm một cách hợp lý từ đó triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc khá lớn của cả 2 cơ quan nên đòi hỏi người đứng đầu phải sắp xếp thật sự khoa học. Đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ chia sẻ thêm: Vấn đề cốt lõi để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khả năng bao quát, điều hành công việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cấp phó và chuyên viên của 2 cơ quan phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện, khắc phục ngay tình trạng "hành chính hoá" hoạt động và "công chức hoá" cán bộ như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII).