Cập nhật: Thứ năm 08/11/2018 - 09:19

Trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc còn ghi lại: Năm 1957, thực hiện chủ trương, nghị quyết của khu ủy, Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc đã quyết định thành lập Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1958, khóa học đầu tiên khai giảng với chục thầy giáo, cán bộ nhân viên, thực hiện mọi hoạt động giáo dục và phục vụ 30 học sinh các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao... ở 6 tỉnh trong khu Việt Bắc theo học chương trình phổ thông cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4). Trường có khu giảng đường, ký túc xá và khu bếp ăn... các công trình xây dựng đều được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, tường đất, lợp cọ.

Sau 3 năm thành lập, Trường vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đưa việc dạy và học vào nền nếp. Ngày 13/3/1960, Trường vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc khi Người lên dự lễ mít tinh tỉnh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Đảng, Nhà nước trao tặng. Khoảng 12 giờ trưa, đoàn xe của Bác từ từ tiến vào khu vực trường. Bác vừa xuống xe đã nhanh nhẹn bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vang dội của thầy và trò Nhà trường: “Hồ Chủ Tịch muôn năm”.        

Trong hồi ức của bà Triệu Kim Tặng, nguyên học sinh của Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc, hiện sinh sống ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) kỷ niệm được gặp Bác năm ấy thật sâu sắc: “Bác bước vào Hội trường trong tràng vỗ tay dài. Rồi thầy hiệu trưởng bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Tôi vinh dự được quàng khăn đỏ cho Bác và đứng gần Bác nhất. Sau khi dứt lời bài hát, Bác âu yếm nhìn và ân cần hỏi: Các cháu có ngoan không? Có nhớ nhà không? Các cháu có chăm học không?... Sau mỗi câu hỏi của Bác, chúng tôi đồng thanh đáp: Có. Bác dặn: Các cháu mới xa nhà, nhớ nhà rồi sẽ quen đi, nhưng phải ngoan, phải chịu khó học tập vì đồng bào các dân tộc ta xưa kia bị áp bức, bị khổ nhiều không được học tập. Nay các cháu được Đảng ta cho đi học, phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo, phải chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc. Bác dặn, các cháu thuộc nhiều dân tộc ở nhiều địa phương khác nhau lại càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em một nhà”.

Trong buổi trò chuyện, Bác còn hỏi các thầy cô giáo có khỏe không, chăm sóc các cháu có tốt không? Trò chuyện với các thầy cô giáo và cán bộ trong Trường, Bác nhắc: “Các cháu đây là những mầm non xanh tươi của dân tộc, phải có tình thương yêu dạy dỗ chu đáo, phải chú ý chăm sóc đến đời sống, sức khỏe của các cháu làm cho các mầm non đó phát triển ngày càng xanh tươi để sau này các cháu trở thành những cán bộ tốt của dân tộc”. Cuối buổi trò chuyện, Bác bảo các chú đi cùng chia kẹo cho các cháu rồi Người chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Nhà trường. Bức ảnh này được nhiều báo chí Trung ương và địa phương đăng tải, nay được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh. Cuối cùng, Bác bắt nhịp cho các cháu hát bài Kết đoàn, bài hát vừa dứt, Bác và các đại biểu đã lên xe ra về.

Trong các tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và lịch sử của Trường, Bác Hồ còn trở lại thăm Trường 2 lần nữa vào năm 1962 và 1964. Năm 1970, Khu ủy, Uỷ ban hành chính Khu và Sở Giáo dục Việt Bắc nhận thấy mục tiêu đào tạo của Trường Thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc và Trường Bổ túc công nông là như nhau chỉ khác đối tượng tuyển sinh nên quyết định hợp nhất hai trường và lấy tên chung là Trường Bổ túc công nông và Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1976, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Quyết định số 1134/QĐ tiếp nhận nhà trường và đổi tên thành Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cho đến ngày nay. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trường cũng di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau đến năm 1973 mới trở về khu vực thuộc phường Thịnh Đán hiện nay.

Hội trường nghe Bác Hồ nói chuyện với thầy và trò Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc xưa gồm 6 gian, rộng khoảng 100m2, bên trong có bàn ghế băng dài bằng gỗ. Dưới gốc đa kề bên cạnh trường trước hội trường nhìn thẳng ra là một ngôi chùa làng Quang Vinh. Sau nhiều năm, khu giảng đường trước trở thành kho vật tư của Nhà máy điện Thái Nguyên. Năm 2002, tổ dân phố Điện Lực 1 (nay là tổ dân phố số 7, phường Quang Vinh) xây dựng nhà văn hóa ngay cạnh di tích. Dưới gốc đa vẫn còn con rùa đá là di vật còn lại của ngôi chùa làng Quang Vinh. Địa điểm Bác Hồ chụp ảnh với thầy trò nhà trường là cây đa cổ thụ giờ cũng chỉ còn lại nhánh cây làm cột mốc di tích. Năm 2004, địa điểm này được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã lập bia ghi dấu sự kiện, xây dựng khuôn viên, cây xanh tại đây.

Linh Lan