Hiện đại hoá bộ phận một cửa
Qua rà soát cho thấy, năm 2017, đa số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TNTKQ) theo cơ chế một cửa tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều chưa có đủ trang thiết bị và phần mềm 1 cửa điện tử hiện đại để phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân. Đơn cử như thị trấn Đu, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch và bộ phận văn phòng phải tận dụng thêm máy tính cá nhân để làm việc, chưa có hệ thống camera giám sát… Đây chính là những tiêu chí bị đánh giá thấp của huyện trong công tác CCHC vào năm ngoái.
Trên cơ sở đó, năm nay, UBND huyện đã nhanh chóng thực hiện phân bổ kinh phí cải cách hành chính để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bộ phận TNTKQ của huyện và 15 xã, thị trấn, gồm: máy tính, máy scan, hệ thống camera giám sát, băng ghế chờ cho công dân… với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, một số xã như Yên Ninh, Yên Đổ, thị trấn Đu… cũng chủ động nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ người dân. Ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Trước đây, chúng tôi phải ghép chung phòng chuyên môn với Bộ phận một cửa. Nhưng bắt đầu năm 2017, chúng tôi đã chủ động kêu gọi được nguồn xã hội hoá để xây dựng nhà làm việc cho Bộ phận một cửa theo diện tích quy định là 40m2, với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.
Ngoài cơ sở vật chất, đến nay, 100% các xã, thị trấn đều đã được đầu tư phần mềm một cửa điện tử hiện đại và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Nhờ đó, cách thức, quy trình giải quyết TTHC đã được đổi mới, từ phương thức truyền thống sang hiện đại, tiện ích. Không chỉ vậy, điều này còn tạo thuận lợi cho việc quản lý, giám sát tiến độ giải quyết hồ sơ của từng bộ phận liên quan vào bất kỳ lúc nào, góp phần hạn chế tình trạng quan liêu, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức.
Chị Nguyễn Thị Toàn, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Ôn Lương chia sẻ: Trước, khi làm các thủ tục như trích lục bản sao giấy khai sinh, đăng ký kết hôn… tôi đều phải kê thông tin ra 2 sổ, sau đó đánh mẫu giấy thủ công. Nay, tôi chỉ cần nhập 1 sổ, còn lại nhập vào mẫu sẵn trên phần mềm, sau đó đánh dấu đã trả kết quả. Nhờ đó, tôi không chỉ quản lý được các hồ sơ đã hoặc chưa hoàn thành mà việc giải quyết TTHC cho người dân cũng nhanh gọn hơn.
Nâng cao năng lực cán bộ
Xác định yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong đánh giá chỉ số CCHC, UBND huyện đã tăng cường triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, qua đó chất lượng giải quyết công việc ngày càng được nâng cao. Theo đó, năm 2018, huyện đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức 5 lớp tập huấn tại địa phương và cử cán bộ, công chức tham gia tập huấn tại tỉnh, về các nội dung như: Áp dụng phần mềm một cửa hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC và hệ thống quản lý văn bản; nghiệp vụ giải quyết TTHC trong các lĩnh vực; văn hoá công sở, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ… Ngoài ra, năm nay, huyện cũng lần đầu tiên tổ chức Hội thi “Tuyên truyền cải cách hành chính” để cán bộ, công chức của huyện và 15 xã, thị trấn có cơ hội được giao lưu, trau dồi kiến thức về CCHC.
Riêng đối với bộ phận TNTKQ theo cơ chế 1 cửa, nhằm tạo bước chuyển biến có tính đột phá để nâng cao chất lượng cán bộ, từ huyện đến các xã, thị trấn đều đã điều chỉnh lực lượng để đảm bảo 100% đều trong diện biên chế, có trình độ chuyên môn cao, khả năng giao tiếp với công dân tốt. Anh Đỗ Văn Nhuận, tiểu khu Tràng Học, thị trấn Đu chia sẻ: Hiện, tôi đang phải làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực tế, các thủ tục về đất đai có rất nhiều và tôi cũng không thể hiểu hết được. Tuy nhiên, khi tới Bộ phận TNTKQ của huyện và thị trấn, các cán bộ giải thích khá rõ ràng, dễ hiểu từng loại thủ tục. Chính vì thế, tôi không mất nhiều thời gian khi làm hồ sơ như trước.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các phòng ban chuyên môn và bộ phận một cửa cũng được chú trọng. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho hay: Thông qua đối thoại, tiếp xúc cử tri, hòm thư góp ý chúng tôi sẽ lấy ý kiến của người dân làm thước đo cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Ngoài ra, tại các cuộc họp giao ban, chúng tôi sẽ kịp thời nhắc nhở, kiểm điểm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc phân công lại công việc cho phù hợp; khen thưởng cho cán bộ có thành tích trong công tác chuyên môn cũng như giao tiếp với nhân dân.
Tiếp tục chủ động thực hiện CCHC
Bằng những chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2018, huyện Phú Lương đã khắc phục được những hạn chế của năm 2017 và đạt được hiệu quả tích cực trong công tác CCHC. Đơn cử như việc TNTKQ tại Bộ phận một cửa đã nề nếp hơn. Năm nay, UBND huyện đã thực hiện niêm yết công khai 247 TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp huyện trong tất cả các lĩnh vực (trong khi đó, năm 2017, mới đưa 133 TTHC ra Bộ phận một cửa), cấp xã là 137 TTHC; hầu hết cán bộ Bộ phận 1 cửa đã sử dụng thành thạo hệ thống phần mềm; phòng chuyên môn và các xã, thị trấn đều đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015… Nhờ đó, số lượng hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn tăng lên rõ rệt.
Đơn cử, tại Bộ phận TNTKQ cấp huyện, đã tiếp nhận trên 4.400 hồ sơ, trong đó có hơn 4.300 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, chỉ có 2 hồ sơ trả chậm, còn lại là đang giải quyết. Do vậy, đến nay, huyện chưa nhận được phản ánh hay kiến nghị của cá nhân nào đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết…
Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bên cạnh những hiệu quả đạt được, công tác CCHC của huyện vẫn còn hạn chế như: một số xã, thị trấn còn thụ động trong việc niêm yết các bộ TTHC mới ban hành; cơ sở vật chất chưa được quan tâm đầu tư; thái độ và năng lực giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự tốt… Chính vì thế, trong thời gian tới, huyện sẽ từng bước thực hiện xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất tại các đơn vị; tiếp tục thực hiện kế hoạch đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách TTHC tại Bộ phận một cửa huyện Phú Lương giai đoạn 2017 - 2020; tăng cường kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động; đưa chỉ tiêu CCHC vào công tác thi đua của các xã, thị trấn… Qua đó, góp phần mang đến sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân về công tác CCHC của chính quyền địa phương.