Cập nhật: Thứ sáu 04/01/2019 - 09:54
Sản xuất nghề mộc mỹ nghệ tại xã Tân Phú
Sản xuất nghề mộc mỹ nghệ tại xã Tân Phú

Bình quân mỗi năm, T.X Phổ Yên có trên 20ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ thi công các công trình, dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc một lượng lớn người lao động thiếu việc làm hoặc bị mất việc làm. Để người dân ổn định cuộc sống sau khi thu hồi đất, ngoài việc thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, Thị xã còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Sự lớn mạnh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên những năm gần đây đòi hỏi cần nhiều mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, xí nghiệp, do đó đã có nhiều lao động nông thôn bị ảnh hưởng. Theo thống kê sơ bộ, toàn Thị xã có hơn 12 nghìn lao động không có việc làm hoặc bị mất việc làm. Bởi thói quen sản xuất còn lạc hậu, chưa qua đào tạo nghề nên nhiều lao động sau khi mất việc làm còn gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình chuyển đổi việc làm. Từ thực trạng này, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (GQVL) được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thị xã đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90% (trong đó tỷ lệ lao động nông nghiệp là 100%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 89%).

Để triển khai nội dung này, Thị xã đã phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc rà soát, thống kê tình trạng lao động, việc làm để xây dựng kế hoạch đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp kịp thời, phù hợp. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lực lượng lao động địa phương tích cực tham gia học tập, nâng cao tay nghề gắn với chương trình phổ cập giáo dục trung học. Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, các cơ sở đào tạo nghề còn chú trọng đổi mới phương thức đào tạo, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên… để phù hợp với yêu cầu của công tác dạy nghề, chuyển từ việc đào tạo những gì sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học nghề. Các thông tin về việc làm, thu nhập được cung cấp thường xuyên, đa dạng để người lao động biết và lựa chọn.

Là địa phương được Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lựa chọn làm điểm xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất, đến nay, T.X Phổ Yên đã triển khai 4 mô hình đào tạo nghề điểm với 138 học viên tham gia. Đó là các mô hình: Trồng hoa ly, hoa loa kèn, hoa đồng tiền tại xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành; đào tạo nghề trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Phúc Thuận; đào tạo nghề chế biến các sản phẩm mộc tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong; đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu tại xã Trung Thành. Các học viên được hỗ trợ 100% học phí và đào tạo trong thời gian từ 3-5 tháng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, lựa chọn ngành nghề đào tạo nên các mô hình đều thành công, đến nay đã và đang được nhân rộng. Các lao động sau khi được đào tạo nghề đã cơ bản được giải quyết việc làm hoặc tự tạo việc làm, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống tại địa phương, nâng cao năng suất cây trồng.

Ông Dương Văn Hiến ở thôn Giã Trung, xã Tiên Phong cho biết: Sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề cùng với kinh nghiệm tích lũy được tôi đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng gần 100m2 để sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, cho thu nhập khá. Hằng năm, ở thôn cũng có hàng chục lao động chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ do Thị xã tổ chức nhằm nâng cao tay nghề, mở cơ sở sản xuất riêng. Nếu trước kia chỉ có 7-10 hộ đứng ra thành lập xưởng thì đến nay trong thôn đã có hơn 100 xưởng sản xuất số lượng lớn các mặt hàng như: giường, tủ, bàn ghế…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Ngoài việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề, Thị xã cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã có nhu cầu học nghề tuyên truyền rộng rãi để người lao động đăng ký; các thông tin về việc làm, thu nhập đều được cung cấp thường xuyên, đa dạng dưới nhiều hình thức để người lao động biết và lựa chọn; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn ký hợp đồng cung ứng lao động sau khi đã hoàn thành khóa học và được cấp giấy chứng nhận.

Trong 3 năm gần đây, T.X Phổ Yên đã có trên 5 nghìn lao động được đào tạo nghề, trong đó gần 4 nghìn lao động phi nông nghiệp, trên 1,5 nghìn lao động nông nghiệp. Theo đại diện Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, những năm gần đây, đơn vị được Thị xã giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, lao động địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề về cơ khí, điện tử, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết thêm: Song song với công tác đào tạo nghề, Thị xã còn phối hợp với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và một số công ty thuộc Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 1.000 lao động tại địa phương được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thị xã, với mức lương bình quân đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Từ thực tế tại T.X Phổ Yên cho thấy, đào tạo nghề gắn với GQVL là một trong những chủ trương đúng đắn, không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy cơ cấu kinh tế thay đổi đáng kể. Hiện nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm gần 80%; thương mại - dịch vụ là 17,1% và nông, lâm, thủy sản còn 3,2%. Thu nhập bình quân đầu người của toàn Thị xã đạt 50 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 3,7%.

 Với mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm đào đạo nghề cho 2.500 lao động (tăng trên 300 lao động/năm so với năm 2018), tạo việc làm mới cho hơn 5.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, hiện nay, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, Thị xã cũng đã triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng và theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hoặc những nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của Thị xã để tránh khủng hoảng lao động sau đào tạo. Cùng với đó, Thị xã cũng sẽ phối hợp với các tổ chức, cơ sở dạy nghề tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT, lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Đồng thời, làm tốt công tác kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trịnh Phương