Chúng tôi nâng nhẹ bước chân vào chùa Đán, thắp nén nhang lên các ban thờ, lặng lẽ ngắm nhìn những bức ảnh tại Nhà Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc thật khó tả. Đại Đức Thích Đạo Quảng (trụ trì Chùa) kể cho tôi nghe về thời điểm Đoàn quân Giải phóng đóng tại nơi này. Đó là vào ngày 19-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa đoàn quân chủ lực từ xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang sang giải phóng thị xã Thái Nguyên, khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm nơi tập kết quân và làm trụ sở chỉ huy tiến đánh Nhật đang co cụm trong trung tâm Thị xã.
Những ngày tập kết tại đây, nhân dân Thịnh Đán đã bí mật cung cấp lương thực, thực phẩm và giữ bí mật cho Đoàn quân. Người dân nơi đây còn lưu truyền câu chuyện, trước ngày Đoàn quân xuất kích, ông Lý Quyền (Lý trưởng vùng đất này thời bấy giờ) còn dắt cả con bò to để Đại tướng Võ Nguyên Giáp khao quân.
Hành trình tìm hiểu về xã Thịnh Đán xưa, dẫn tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Hữu, tổ dân phố số 4, phường Thịnh Đán. Cụ Hữu năm nay đã bước sang tuổi 87, nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Hồi tưởng lại, cụ cho biết: Cái ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm quân về Thịnh Đán, tôi mới 13 tuổi. Sau khi giải phóng xong thị xã Thái Nguyên có một số nhóm, tổ trú tại đây, sau đó mới tiến về Thủ đô. Nhà tôi cũng có một nhóm cán bộ Việt Minh ở lại. Thời đó, nhà có một chiếc bồ đựng gạo rất to, mỗi lần gạo hết người dân trong làng lại mang gạo đến quyên góp nuôi cán bộ Việt Minh. Bấy giờ, nhà ai cũng nghèo, cơm ăn không đủ no, nhưng hễ nghe đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ Việt Minh thì ai cũng nhiệt tình, hào hứng.
Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 13-8-1998, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm Thịnh Đán (lúc đó vẫn thuộc phường Tân Thịnh). Tại di tích chùa Đán, Đại tướng đã cùng các nhân chứng là người địa phương ôn lại những sự kiện lịch sử về cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt, hào hùng của Đoàn quân Giải phóng. Đại tướng đã trồng cây đa lưu niệm, ghi cảm tưởng vào Sổ vàng truyền thống của địa phương như sau: “Chúc xã Thịnh Đán, phường Tân Thịnh, cán bộ, nhân dân làm ăn giỏi, thực hiện lời mong ước của Bác Hồ”.
Hơn 20 năm qua, thực hiện ý nguyện của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc phường Thịnh Đán không ngừng ra sức phấn đấu, thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ một địa phương phát triển nông nghiệp là chủ yếu thì nay Thịnh Đán đã trở thành một phường phát triển mạnh vào bậc nhất, nhì của T.P Thái Nguyên.
Toàn phường hiện có 23 tổ dân phố, trên 3.000 hộ, trên 10 nghìn nhân khẩu. Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán tự hào, chia sẻ: Phường Thịnh Đán được công nhận xã Anh hùng và tách ra từ phường Tân Thịnh từ ngày 9 tháng 1 năm 2004, với chủ trương thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho sự phát triển, đến nay, phường có trên 1.000 hộ kinh doanh; 11 dự án phát triển hạ tầng đô thị; lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp những năm gần đây đều vượt mốc đạt trên 45 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt gần 11 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều nhà văn hóa được xây dựng khang trang; các tuyến đường dân sinh được bê tông hóa và có điện chiếu sáng; các hộ dân đều được sử dụng nước sạch; tỷ lệ học sinh huy động đến lớp hàng năm đạt trên 98%; trên 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; các đối tượng chính sách thường xuyên được quan tâm về vật chất và tinh thần, nên có mức sống bằng hoặc cao hơn so với nhân dân trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo không đáng kể (chỉ còn 1,05%).
- Bí quyết nào để địa phương có sự phát triển về mọi mặt nhanh như vậy? Tôi hỏi
- Đồng chí Cường cho biết: Bí quyết thành công thì nhiều, nhưng theo tôi điều cơ bản nhất đó là người cán bộ thực thi nhiệm vụ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, mọi hành động phải xuất phát từ lợi ích của người dân. Mọi bức xúc của người dân phải được giải quyết thấu đáo, tránh để tồn đọng kéo dài. Có như vậy thì người dân mới tin cán bộ, người dân có tin họ mới đồng lòng, chung sức, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Có một Thịnh Đán trung kiên trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động. Tôi cho xe chạy chầm chậm qua các con đường, tuyến phố, khu dân cư để cảm nhận sự thay đổi ở nơi này. Dấu tích của vùng đất Thịnh Đán xưa với những rừng vầu, rừng thông bạt ngàn từng chở che Đoàn quân Giải phóng nay không còn mà thay vào đó là những khu đô thị sầm uất, nhà cao tầng khang trang, tươi mới.