Cập nhật: Thứ bẩy 19/01/2019 - 10:07
-	Hai thầy giáo của Trường Tiểu học Song Tử Tây và các học sinh trong một hoạt động ngoài giờ lên lớp.
- Hai thầy giáo của Trường Tiểu học Song Tử Tây và các học sinh trong một hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Khi mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã bị thu hút và có cảm giác đảo như thân thuộc, gần gũi bởi được nghe tiếng trống trường, tiếng trẻ bi bô đánh vần giữa bốn bề sóng biển ầm ào và gió thổi trên cao. ​Đảo Song Tử Tây (điểm cực Bắc của quần đảo Trường Sa) có 7 hộ dân, có Trường Tiểu học và có những người thầy tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn để ươm những “mầm xanh” trên đảo.

Trường học trên đảo Song Tử Tây có nhiều điểm đặc thù khó lẫn với nơi nào khác: Chỉ có 2 giáo viên với một lớp tiểu học và một lớp mầm non và tổng số 10 học sinh, mỗi lớp có nhiều cấp học và nhiều lứa tuổi học trò, nhiều đồ dùng học tập được chế tác từ những vỏ ốc biển và quả bàng vuông trên đảo…

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, người được giao phụ trách Trường Tiểu học Song Tử Tây nhận công tác tại đây từ tháng 5-2018 sau 2 lần đăng ký và nhiều năm chờ đợi để được ra đảo cống hiến. Thầy Phú sinh năm 1982, quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn chưa lập gia đình riêng. Khi nhiều phóng viên hỏi về điều này, thầy bảo: Chuyện đó là do duyên số, giờ đây tôi đang thấy hạnh phúc ngập tràn vì được đứng trên bục giảng ở một trong những nơi đặc biệt nhất, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường của trường sư phạm, tôi đã luôn mơ ước sau này được dậy học ở những vùng biên giới, hải đảo xa xôi…

Có một điều thú vị là thầy giáo Nguyễn Hữu Phú còn là một nhà thơ không chuyên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Từ khi ra đảo công tác, những bài thơ của anh mang đậm “chất Trường Sa”. Những nắng, gió, cây phong ba, bão táp, bàng vuông… được anh đưa vào thơ, tự nhiên, nhẹ nhàng mà thể hiện được ý chí, khát vọng của những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc ở nơi đầu sóng.

Giáo viên và học sinh ở đảo Song Tử Tây nhận quà Tết từ đất liền.

Nói về chuyện dậy và học trên đảo, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tâm sự: Trong điều kiện như này, những thiếu thốn, thiệt thòi và vất vả là điều đương nhiên. Dù vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất trường lớp học và trang thiết bị dậy học đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng cũng chưa đầy đủ. Khi cần được bổ sung các thiết bị dậy học, chúng tôi phải đăng ký và thường phải chờ cả tháng đến khi có các chuyến tầu ra đảo mới được đáp ứng. Lớp học đều là lớp ghép nhiều cấp học, lứa tuổi khác nhau nên giáo viên phải linh hoạt và vất vả hơn trong mỗi giờ dậy. Việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp và lĩnh hội sự chỉ đạo của cấp trên không được thường xuyên khiến chúng tôi phần lớn phải tự nghiên cứu, mầy mò, đúc rút kinh nghiệm…

Tuy vậy, cũng theo lời thầy Phú, dù điều kiện phát triển không bằng trên đất liền nhưng các học trò ở đảo đều nhận thức nhanh và có lực học từ khá trở lên, đặc biệt là rất ngoan hiền, lễ phép. Trường học luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của chính quyền xã đảo, của quân và dân trên đảo, nhất là các phụ huynh. Đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên ngày càng được nâng lên đã tạo thêm động lực cho các thầy yên tâm cống hiến, yêu nghề, mến trẻ hơn.

Cùng thời gian ra đảo Song Tử Tây nhận công tác với thầy Nguyễn Hữu Phú, thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Học (sinh năm 1993) cũng là một giáo viên tràn đầy nhiệt huyết. Thời gian đầu khi biết anh xung phong ra đảo dậy học, gia đình và không ít bạn bè đã khuyên can vì sợ anh vất vả, thiệt thòi. Nhưng chừng đó là không đủ để níu chân anh vì trái tim trong con người ấy đang hướng về biển đảo.

Chuyên môn là tiểu học nhưng ra đảo lại dậy mầm non, không mấy ai nghĩ thầy Học có thể làm tốt nhiệm vụ của mình đến thế. Cùng với việc được tập huấn trước khi ra đảo, anh đã tự học, tự tìm hiểu và hoàn thiện chuyên môn dậy mầm non. Giờ đây, việc dậy và tổ chức cho các cháu múa hát, dậy học sinh vẽ, tô mầu… không còn khó với nam giáo viên này nữa. Đồ chơi, đồ dùng học tập của học sinh còn thiếu thốn, thầy Học đã cùng với phụ huynh sáng tạo ra nhiều đồ chơi hữu ích cho các bé từ những vỏ ốc biển, chai nhựa và đặc biệt là từ những quả bàng vuông trên đảo. Thầy Học bày tỏ: Sau mỗi giờ học, mỗi ngày trôi qua trên đảo, tôi cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của mình lại được bồi đắp bởi đang góp sức “trồng người” ở một trong những nơi xa xôi, đặc biệt nhất trên đất nước thân yêu này…

Trống trường lại điểm, các thầy giáo và học sinh Trường Tiểu học Song Tử Tây lại bước vào một giờ học mới. Chúng tôi rời ngôi trường đặc biệt này với nhiều ấn tượng khó quên, mang theo sự khâm phục với những người thầy đầy nhiệt huyết đang từng ngày kiên trì ươm “mầm xanh” trên đảo xa.

“Yêu sao những nụ cười

Hồn nhiên giữa phong ba

Mầm xanh đầy sức sống

Kiên cường giữa đảo xa”

………………………..

“Con muốn về bên Mẹ

Nhưng nhớ lại lời xưa

Mẹ đã dạy cho con

Tổ quốc luôn đứng trước”

(Trích bài thơ “Giờ học ở đảo Song Tử Tây” và bài “Mùa Xuân ở Trường Sa” của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Trần Quyền