Cập nhật: Thứ năm 24/01/2019 - 11:53

Ở vùng nông thôn miền núi, một trong những công việc thú vị nhất giáp Tết Nguyên đán là đi chợ phiên. Không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, những buổi chợ phiên còn chứa đựng giá trị văn hóa độc đáo và mang nhiều nét đặc trưng vùng, miền.

Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hồi còn học tiểu học, mỗi dịp Tết đến là mong nhất được đi chợ phiên. Cứ hôm trước mẹ hứa cho đi theo buổi chợ là y như rằng cả đêm ấy tôi thao thức, từ sáng sớm đã nhảy tót xuống giường rồi ra hè ngồi thắc thỏm chờ đợi. Chợ khi ấy còn đơn sơ lắm, chỉ hơn chục cái chòi lợp lá cọ dựng trên bãi đất rộng, trừ cánh hàng tạp hóa và bánh kẹo thì phần đông là người làng, tiện có gì thì mang ra chợ trao đổi. Bán được dăm bảy chục nghìn rồi lại bù vào để mua những thứ gia đình còn thiếu. Đám trẻ chúng tôi bám theo người lớn để vòi mua đôi dép, bộ quần áo mới diện Tết và thích nhất là được dắt qua hàng bánh rán để đánh một bữa căng bụng.

Giờ đời sống ở khu vực nông thôn miền núi đã khởi sắc rất nhiều. Hàng quán “vươn” đến tận những xóm, bản xa xôi nhất, cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Thế nhưng, chợ phiên vẫn có ý nghĩa đặc biệt, nhất là mỗi dịp Tết đến. Nhân chuyến công tác cuối năm ở huyện vùng cao Võ Nhai, tôi gặp bà Triệu Thị Tàn, dân tộc Dao, xóm Nà Lay, xã Sảng Mộc cùng cháu trai đi chợ tết. Xã chưa có chợ nên hai bà cháu dậy từ 5 giờ sáng để cuốc bộ xuống chợ xã Thượng Nung cách nhà gần 15km. Bà gánh đôi gà trống thiến, cháu khoác dăm cân gạo nếp mang ra chợ bán. Hỏi chuyện bà bảo: Đi bộ nhiều quen rồi, với lại đi chợ Tết vui lắm nên quên hết cả mỏi. Năm nay, nhà nuôi được lợn để thịt ăn Tết nên không phải sắm sửa nhiều, tôi mua cho mỗi đứa cháu một bộ quần áo mới, hoa quả để bày ban thờ và một ít rau củ dự trữ. Cứ tạm thế đã, thiếu thì vài hôm sau lại đi mua tiếp.

Suy nghĩ của bà Tàn cũng là tâm lý chung của nhiều người. Họ đi chợ những ngày giáp Tết không hẳn chỉ mua sắm hàng hóa mà còn để ngắm và cảm nhận không khí xuân đang về. Cuối năm cũng là dịp nông nhàn, công việc đồng áng đã hoàn tất nên càng có nhiều thời gian chuẩn bị Tết. Vậy nên, có khi rong ruổi vài phiên chợ ở những xã khác nhau vẫn gặp lại một gương mặt quen ở đó. Hay một ngày có thể chạy qua chợ đến vài lần, khi mua nải chuối, chai nước mắm hay vài quả bồ kết khô để đun nước tắm.

Ở huyện Định Hóa và nhiều địa phương khác trong tỉnh thường có lịch chợ phiên cách nhau chừng 5 ngày/lần và luân phiên với các xã lân cận nhau. Các hàng bán tạp hóa, hàng ăn chín như phở, bánh rán vì thế cũng không cố định một chỗ mà di chuyển theo các chợ phiên. Hàng hóa cũng mang nét đặc trưng vùng, miền. Chợ xã Trung Hội (Định Hóa), ngoài những lều, sạp bán hàng có mái che, địa phương bố trí thêm một khoảng đất rộng cho bà con bán hàng. Từ chiều 23 tháng Chạp, những người buôn bán ở xa đã đến trải bạt, dựng cọc, che chắn thành những túp lều nhỏ để bày bán bánh kẹo, mứt Tết, quần áo cùng các loại nông sản.

Góp phần cho hương vị món ăn ngày Tết dĩ nhiên không thể thiếu lá dong, gióng giang, đỗ xanh và gạo nếp để gói bánh chưng. Cùng với đó là những cành đào phai, quất hoặc cây mía tím để bên ban thờ. Hàng hóa vùng quê chủ yếu là các nông sản dân dã do nông dân làm ra, từ buồng cau, nải chuối, quả bưởi đến vài chục quả trứng gà, mẻ cá vừa tát ao còn giãy đành đạch. Ở chợ phiên Định Hóa người ta còn thấy những sản vật đặc trưng của địa phương như: măng giang, vỏ cây chay để ăn trầu, bánh lẳng… Ngoài ra, còn hình ảnh khá đặc trưng là những chiếc xe chở cồng kềnh như một “cửa hàng di động”. Trên đó chất đầy nồi niêu, chảo nhôm và các vật dụng sinh hoạt hằng. Tan phiên chợ, những chiếc xe này lại len lỏi vào các đường làng, ngõ xóm với tiếng loa văng vẳng. Ông Hoàng Văn Thái, ở xóm Quang Trung, xã Trung Lương bảo: Dù đã có chợ, hàng tạp hóa ngay đầu xóm nhưng có chuyến xe di động thế này cũng tiện, nhà thiếu gì là gọi lại mua luôn. Tiếng loa giúp vui tai xóm làng, làm cho không khí ngày cuối năm thêm rộn rã.

Chợ quê ngày Tết đông vui, nhộn nhịp bởi suy nghĩ “làm cả năm, chỉ dành đi chợ ba ngày Tết” nên mọi người đều đi mua sắm từ sớm chứ không chờ đến tận ngày cuối năm như ở thành phố. Có người đi chợ Tết chỉ để xem hàng hóa, chào hỏi nhau thân tình, nói chuyện cấy trồng hay mời nhau đến nhà chơi... Tết này, tôi sẽ dành một buổi đưa mẹ đi chợ phiên, để cảm nhận không khí rộn ràng như trong bài thơ Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…”

Nhị Hà