Đại đức Thích Đạo Quảng, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 180 chùa, nhiều nhất là huyện Phú Bình có 82 chùa; T.X Phổ Yên có 36 chùa; huyện Đại Từ có 28 chùa; T.P Thái Nguyên có 13 chùa… Vào dịp đầu Xuân mới, nhân dân, du khách đến vãn cảnh chùa rất đông, trong đó có nhiều người làm lễ cầu an, cầu phúc. Vì lượng người đến chùa tăng “đột biến” so với thường ngày, nên hầu hết các nhà chùa đều bận rộn hơn vì chăm lo việc khói hương, an toàn cho phật tử, trong đó có việc phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, như làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.
Để các chùa phát huy được giá di sản, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân, hằng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thường xuyên hướng dẫn cho ban hộ tự các chùa làm tốt chức phận giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hướng các phật tử sống tốt đời, đẹp đạo; thực hành sống hiền đức, năng tu thiện đúng với phương châm, tôn chỉ của đạo Phật.
Đại đức Thích Đồng Hòa, trụ trì chùa Cải Đan (T.P Sông Công) cho biết: Trên địa bàn T.P Sông Công có 11 chùa đang hoạt động tôn giáo và 14 cơ sở tín ngưỡng, với 5.590 tín đồ Phật giáo và 87 chức việc. Mọi hoạt động Phật giáo tại các chùa đều đúng với giáo lý, giáo luật. Ngoài việc quản lý, điều hành các hoạt động tín ngưỡng theo đúng Hiến chương Giáo hội và Pháp luật Nhà nước, nhà chùa vận động phật tử tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các quỹ thi đua yêu nước, làm từ thiện để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, như việc nhà chùa duy trì chương trình nấu cháo từ thiện tại Bệnh viện C Thái Nguyên; tặng quà cho người có công với nước; các cháu thiếu nhi và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dịp lễ, Tết.
Lên chùa Phù Liễn (T.P Thái Nguyên), tìm hiểu về bản chất của việc nhân dân, phật tử dâng lễ cầu may, cầu phúc và tham gia nghi thức dâng sao giải hạn, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận nhân dân, nhà chùa có thực hành việc dâng sao giải hạn, nhân đó hướng cho người dân vào đức tin của Phật. Còn bản chất của việc làm này là nghi lễ cầu an, cầu lộc, khơi gợi lòng người phát tâm hướng thiện, hành thiện, không làm việc sai trái với đạo đức, pháp luật.
Lên chùa cầu an đã có từ lâu đời và trở thành một lệ tục thể hiện nét đẹp văn hoá của đại bộ phận nhân dân. Bởi thế, những người theo đạo Phật hoặc quan tâm đến đạo Phật đều hiểu sâu sắc lời chú: “Phật tại tâm”; “Phật từ tâm”; “Khởi tâm thì Phật độ”... Người lòng thành lên chùa có nén tâm nhang đã cảm được lòng yên bình, viên mãn. Tuy nhiên có nhiều người năng đi lễ chùa, nhưng chưa hiểu sâu sắc đạo lý nhà Phật. Thậm chí suy nghĩ khi lên chùa, dâng lễ lớn và hoá (đốt) nhiều tiền vàng cho đức Phật thì bản thân cũng nhận được tài, lộc lớn hơn so với người khác. Tệ hại hơn là có người lên chùa còn nhét tiền thật, loại tiền có mệnh giá nhỏ vào tay, vào miệng các pho tượng trong chùa, với ý nghĩ làm như thế, trời, Phật mới nhận được lễ vật của mình và hỉ xả ban cho tài lộc. Có người đến dâng lễ rồi xin được trúng số đề, hoặc thăng tiến trên đường quan lộ để “nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ”… Đó là những hành động gây phản cảm, mạo phạm đến uy linh đức Phật, đáng chê trách. Nhưng đức Phật từ bi, không quở trách, mà bao dung thứ tha cho người phàm tục.
Đại đức Thích Thanh Thắng, Trụ trì chùa Phố Hương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vào dịp đầu Xuân, nhiều người dân đến chùa dâng hương khấn, cầu cho ước nguyện của mình được thành tựu, song không biết đến giáo lý của đạo Phật. Không ít người trong số họ bị “thầy, bà” hành nghề mê tín dị đoan lợi dụng. Những “thầy, bà” này cho rằng mình được trời Phật ban phát cho một quyền năng đặc biệt là đứng ra cầu cúng, ban phước hoặc giáng họa cho một ai đó với mục đích chỉ để cầu cung kính và lợi dưỡng. Vì thế, nhà chùa luôn thực hiện đúng Hiến chương của Giáo hội, Pháp lệnh Tín ngưỡng - Tôn giáo, từng bước giúp người dân đi lễ chùa có cái nhìn đúng đắn hơn về Phật giáo.
Thiết nghĩ: Đầu năm lên chùa, công đức cho nhà chùa là việc nên làm. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần hiểu đúng đắn về đạo Phật, về đức Phật từ bi, độ lượng, luôn hướng cho mọi người trở nên thiện tâm, thuận tính, sống lương thiện.