Bà Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Ngọai, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cho biết: Khi bắt đầu thực hiện theo các tiêu chí trường tiểu học chuẩn Quốc gia, Trường Tiểu học Bản Ngoại có điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, phòng học tạm bợ, phòng chức năng hầu như không có, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, hầu hết các lớp học trong tình trạng sập xệ. Trường nằm trên địa bàn xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 30%, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định mục tiêu trọng tâm là thực hiện các tiêu chí cập chuẩn, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đặt ra mục tiêu theo từng năm học, theo tình hình thực tế để thực hiện lộ trình xây dựng trường chuẩn.
Để nâng cấp cơ sở vật chất, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, trường đã tham mưu với chính quyền địa phương trong việc tận dụng quỹ đất, huy động sức dân để xây dựng công trình phụ trợ (nhà đa năng, khuôn viên cây cảnh). Tiêu chí về cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện đã đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Năm 2006, Trường Tiểu học Bản Ngoại đã được công nhận chuẩn Quốc gia cấp độ 1, năm 2016, được công nhận là trường chuẩn Quốc gia mức độ 2.Đến nay, sau 3 năm được công nhận quốc gia mức độ 2, Ban Giám hiệu Nhà trường vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch để duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang, hiện đại.
Không chỉ có Trường Tiểu học Bản Ngoại, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xây dựng mục tiêu theo từng năm học và đạt được kết quả. Từ cách làm này mà tiêu chí xây dựng hệ thống cơ sở vật chất của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học của toàn tỉnh đã đạt trên 65%.
Là địa phương đầu tiên hoàn thành cập chuẩn quốc gia bậc tiểu học, ngành Giáo dục T.X Phổ Yên xác định rõ cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng trường chuẩn. Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo T.X Phổ Yên cho biết: Những năm qua, ngành Giáo dục Thị xã luôn quan tâm chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh việc bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tích cực, chủ động của học sinh. Các trường tiểu học trên địa bàn đã tích cực đổi mới công tác quản lý, tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Phòng thường xuyên tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị giáo dục tiêu biểu. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng chủ động tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục hiện nay, đáp ứng được tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, 100% trường học trên địa bàn T.X Phổ Yên nói chung trong đó các trường tiểu học đã duy trì và giữ vững trường chuẩn quốc gia. 100% học sinh cấp tiểu học đang được học 2 buổi trên ngày. Sắp tới khi thực hiện trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đồng nhất với công tác kiểm định chất lượng trường tiểu học thì việc duy trì 100% trường tiểu học học 2 buổi/ngày là điểu kiện thuận lợi nhất để ngành Giáo dục của T.X Phổ Yên bước vào thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Có thể thấy, sau hơn 20 năm thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc tiểu học, những kết quả đạt được đã tạo tiền đề quan trọng để các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia trong giai đoạn tới. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì: Cùng với quyết tâm và đồng thuận cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể của nhà trường và các bậc phụ huynh, ngành Giáo dục - Đào tạo đã xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch triển khai nhiệm vụ từng năm học. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục - Đào tạo sẽ chỉ đạo các nhà trường đảm bảo các hoạt động chuyên môn, tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy. Về phía các nhà trường cũng cần chủ động tham mưu cho các cấp, ngành đầu tư về trang thiết bị, tiếp tục bổ sung nâng cao cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.