Cập nhật: Thứ hai 25/02/2019 - 08:32
Để chủ động chống hạn vụ xuân, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa trạm bơm 7A ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân địa phương.
Để chủ động chống hạn vụ xuân, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa trạm bơm 7A ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân địa phương.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vấn đề nước tưới cho vụ xuân năm nay không quá căng thẳng, nhưng vẫn xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ ở một vài địa phương do một số hồ chứa nước có nguồn sinh thủy kém và được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, việc tích trữ nước gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên để làm rõ thêm về vấn đề này.

P.V: Trước hết, xin ông cho biết lượng nước hiện có tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh do Công ty trực tiếp quản lý và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ xuân năm nay như thế nào?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên hiện được giao quản lý, khai thác 82 công trình. Trong đó, có 40 hồ chứa, 37 đập dâng, 4 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu. Hiện, các công trình thuỷ lợi trên có nhiệm vụ cấp nước tưới cho trên 62.000 ha lúa, rau màu, cây công nghiệp và cây trồng khác.

Trong tổng số 40 hồ chứa do Công ty quản lý, có 34 hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế. Các hồ có nguồn sinh thuỷ tốt, hàng năm công ty đều chủ động chỉ đạo tích trữ nước và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, do đó các công trình trên đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn một số hồ như: Đầm Chiễu (Đại Từ), Trại Gạo, Cây Thị, Kim Cương, Na Long (Đồng Hỷ Nà Mạt (Phú Lương) trữ lượng nước chỉ đạt từ 50-70% dung tích thiết kế. Còn lại, một số hồ có nguồn sinh thủy kém và được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp, các công trình thường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp tác động của các điều kiện thời tiết do vậy việc tích trữ nước gặp nhiều khó khăn.

Về kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ xuân năm nay, căn cứ vào hướng dẫn sản xuất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; cơ cấu giống và khung thời vụ gieo trồng của tỉnh, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có thông báo lịch đóng, mở nước đến các địa phương. Cụ thể, Công ty đã ban hành lịch đóng, mở nước trên hệ thống kênh Núi Cốc cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các nhu cầu dùng nước khác. Từ ngày 1-1 đến 28-2, Công ty mở nước trên toàn hệ thống với lưu lượng trung bình từ 15-18m3/s để bà con lấy nước, làm đất gieo cấy lúa xuân.

P.V: Theo ông, diện tích cây trồng có khả năng bị hạn năm nay tập trung ở những địa phương nào và mức độ đến đâu?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Tại 37 đập dâng do Công ty quản lý, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước sinh thủy trên các sông, suối và lượng mưa trong năm. Trong những năm vừa qua, hạn hán đã xảy ra tại các đập dâng như: Tân Thái, Văn La, Rừng Chùa, Vai Cái, Vực Cảnh (Đại Từ) diện tích khoảng 400ha. Công ty đã phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp chống hạn hán như sử dụng máy bơm, tát nước, tận dụng nguồn nước của ao, hồ, sông suối, kênh rạch. Đặc biệt, mùa mưa năm 2018, lượng mưa ít, phân bố không đều giữa các vùng miền cộng với thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài đã làm giảm lượng sinh thủy trên các sông suối nên sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân. Vì vậy, tình trạng hạn hán tại các khu vực nói trên năm nay có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ nặng hơn đòi hỏi phải có những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, một số hồ chứa trong những năm gần đây thường xuyên bị thiếu nước như: hồ Hố Cóc (Phú Bình), hồ 19/5, hồ Nà Mạt (Phú Lương), hồ Cây Thị, hồ Trại Đèo, hồ Na Long, hồ Kim Cương (Đồng Hỷ), hồ Lòng Thuyền (Võ Nhai), hồ Đầm Chiễu (Đại Từ)... Các công trình này sẽ xảy ra hạn hán trong vụ xuân nếu không có mưa bổ sung và mưa trong quá trình sản xuất. Vì thế, các địa phương nói trên cần theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

P.V: Về phía Công ty đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế thiệt hại do hạn hán xảy ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ xuân 2019, ngay từ đầu mùa mưa, Công ty đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực tiếp quản lý công trình chủ động tích trữ nước để cuối mùa các công trình đạt dung tích thiết kế. Đồng thời, điều tiết nước hợp lý để đảm bảo an toàn phòng lũ cho công trình và chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Công tác tích nước được Công ty theo dõi chặt chẽ, hàng ngày các trạm, cụm báo cáo mực nước, lượng mưa về Công ty và chỉ mở nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ không mở nước phục vụ các mục đích khác. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tưới luân phiên cho từng tuyến kênh dẫn.

Riêng đối với các công trình đập dâng, các đơn vị trực tiếp quản lý đã tham mưu cho các đơn vị chuyên môn chỉ đạo bà con nông dân lấy nước sớm để tận dụng dòng chảy tự nhiên. Ngoài ra, Công ty cũng phối hợp với các địa phương vận động bà con tổ chức nạo vét, tu bổ, sửa chữa kênh mương nội đồng đảm bảo công trình phục vụ đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó, khuyến cáo bà con sử dụng nguồn nước tiết kiệm, củng cố các bờ vùng, bờ thửa, giữ nước tại các chân ruộng, không để chảy tràn lan, rò rỉ mất nước.

P.V : Để quản lý, khai thác và bảo vệ tốt hơn các công trình thủy lợi trong thời gian tới, Công ty có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Đối với những công trình bị hư hỏng, xuống cấp, Công ty đã đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo một số công trình bằng các nguồn vốn khác nhau. Nhờ đó, trữ đủ và tăng lượng nước trữ, diện tích tưới tăng, thời gian tưới nhanh hơn nhưng do nguồn kinh phí có hạn và nhiều nguyên nhân khác, nguồn vốn còn chưa đáp ứng nhu cầu sửa chữa nên việc đầu tư duy tu, cải tạo mới chỉ tập trung vào một số công trình trọng điểm hoặc bị xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa các công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là xử lý tình trạng thấm tại 15/40 hồ chứa trong thời gian sớm nhất... để đảm bảo tốt việc dẫn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.

Lương Hạnh
(thực hiện)