Cập nhật: Thứ tư 06/03/2019 - 15:43
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nên biện pháp tốt nhất là bà con cần chăm sóc đàn lợn để có sức đề kháng và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nên biện pháp tốt nhất là bà con cần chăm sóc đàn lợn để có sức đề kháng và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Tính đến thời điểm này, tỉnh ta chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, là địa phương tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nơi đang có ổ bệnh thì việc tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự lây lan bệnh đang được ngành chức năng, các địa phương và người dân triển khai quyết liệt.

Nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc vào tỉnh, những ngày này, cán bộ Trạm Kiểm dịch và khu nuôi nhốt cách ly động vật luôn túc trực 24/24 giờ để thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định. Ông Kiều Đức Lục, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật nội địa và khu nuôi nhốt cách ly kiểm dịch cho biết: Từ ngày 1-3, đối với tất cả các xe chở động vật đi qua, ngoài việc kiểm tra giấy tờ, tình trạng động vật, chúng tôi còn phun thuốc sát trùng để diệt khuẩn, tránh lây lan mầm bệnh.

Đi thực tế tại một số trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy, đa số bà con đã nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động các biện pháp phòng, chống. Bà Lê Thị Mai, ở xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhà tôi nuôi trung bình 70 con lợn bột/lứa. Biết được thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhà tôi đã thực hiện đầy đủ quy trình phòng bệnh, vệ sinh, khử trùng chuồng trại hàng ngày theo hướng dẫn của của cán bộ thú y. Đồng thời, không mua thức ăn trôi nổi trên thị trường và cho lợn ăn bằng thức ăn đã được nấu chín. Ngoài ra, chúng tôi cũng rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và không cho người lạ vào chuồng.

T.X Phổ Yên là địa phương giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch là rất cao. Vì vậy, thị xã đã kịp thời ban hành các văn bản về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch; đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn chết, bệnh và sản phẩm nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: Chúng tôi đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1lần/tuần.

Anh Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Để đôn đốc, giám sát tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra tại một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Khuyến cáo bà con, khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh phải báo cáo ngay và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm trước khi tiến hành tiêu hủy lợn theo quy định. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn. Chi cục cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang bị bảo hộ lao động để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Hiện nay, cơ bản các huyện, thành, thị trong tỉnh đã ban hành kế hoạch để chủ động phòng, chống dịch bệnh; trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ngoài việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng tập trung tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch cũng như các chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn khi dịch bệnh xảy ra để người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khuyến cáo: Để ngăn chặn sự lây lan bệnh, các hộ chăn nuôi không nên quá lo lắng mà cần chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, thực hiện "5 không" theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn mà hãy lựa chọn mua thịt từ những cửa hàng thực phẩm sạch, có uy tín, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nấu chín kỹ trước khi sử dùng.

 Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra.Vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh. Vi rút này tồn tại 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh và có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút.

Lương Hạnh