Chị Dương Thị N., xã Úc Kỳ (Phú Bình) phát hiện mình nhiễm HIV từ năm 2005, lúc con gái út mới tròn 14 tháng tuổi. Thời điểm đó, chị dằn lòng dứt sữa để tránh lây bệnh cho con. Năm 2006, chị bắt đầu uống thuốc ARV để chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Chồng mất hơn 10 năm nay, một mình chị làm ruộng, chạy chợ, làm thuê để nuôi hai cô con gái. May mắn thay, các cháu giờ đã học lớp 11, lớp 9 đều khỏe mạnh và ngoan ngoãn, học giỏi. Gặp chị ở phòng khám ngoại trú (Bệnh viện Đa khoa Phú Bình), chị bảo: Mình uống thuốc điều trị ARV từ năm 2006, 6 năm uống thuốc tại Bệnh viện A Thái Nguyên và giờ là ở đây. Nếu không có thuốc ARV chắc mình chẳng còn sống đến bây giờ.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Trưởng phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình cho biết: Hiện, Phòng khám Ngoại trú đang điều trị ARV cho 280 người bệnh nhiễm HIV. Qua khám, điều trị, tư vấn và giám sát tại phòng khám, người nhiễm HIV tuân thủ phác đồ điều trị ARV tương đối tốt và có những kết quả nhất định. Mới đây, chúng tôi vừa thực hiện xét nghiệm tải lượng vi rút 179 mẫu, chỉ có 10 mẫu trên 1.000 vi rút. Chúng tôi đã tư vấn cho người bệnh uống thuốc trong vòng 3-6 tháng, nếu như việc tuân thủ điều trị của họ không tốt thì phải thay đổi phác đồ điều trị. Việc tuân thủ đó phải bảo đảm ba yếu tố sau: Thứ nhất là đúng liều, hai là đúng cách và thứ ba là đúng giờ. 10 trường hợp trên có thể do họ không uống thuốc đúng giờ (chúng tôi thường chỉ định uống vào lúc 20 giờ tối), do có những bệnh nhân điều trị cả Methadone nên có thể họ không nhớ.
Hiện, Phòng khám ngoại trú tổ chức khám cho người bệnh vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, thuận lợi lớn nhất trong điều trị ARV hiện nay là điểm lấy thuốc gần; người nhiễm HIV được khám những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Những trường hợp như ho, ra mồ hôi đêm, gầy sút cân, ăn uống kém đều được xét nghiệm, chụp Xquang kiểm tra chức năng gan, phổi. Nếu phát hiện bệnh thì chuyển Viện Lao điều trị sớm bởi những bệnh nhiễm trùng cơ hội này thường gây suy giảm miễn dịch, tỷ lệ tử vong cao.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trên địa bàn huyện Phú Bình, ngoài Phòng khám ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa, còn có 5 cơ sở điều trị 2.0 (Dự án điều trị HIV) tại các xã: Điềm Thụy, Nga My, Thượng Đình, Đào Xá, Tân Khánh với trên 100 người bệnh nên rất thuận lợi cho người bệnh. Đối với người uống ARV thì họ rất tuân thủ phác đồ điều trị, không có đối tượng nào bỏ điều trị. Công tác truyền thông trong việc tiếp cận và kết nối người nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị đã được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người bệnh mặc cảm và sợ kỳ thị nên nhiều trường hợp còn giấu bệnh, không dám công khai (số này có thể lên tới 300 người), khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn mối lây lan trong cộng đồng.
Do đó, để đạt được mục tiêu có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp cần đổi mới các biện pháp truyền thông, giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, đưa bệnh nhân vào điều trị sớm...