Để kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc ngay từ cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị đối thoại để kịp thời lắng nghe, giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 303 cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trong đó cấp tỉnh 4 cuộc, cấp huyện 52 cuộc và cấp xã 247 cuộc. Đặc biệt, ngày 26/11/2018, Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại với trên 200 doanh nghiệp, doanh nhân để trực tiếp giải đáp, trả lời 94 ý kiến, được dư luận nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Bà Dương Thị Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dược và Thiết bị Y tế Hà Tuyên chia sẻ: Buổi đối thoại này là diễn đàn để chính quyền và doanh nghiệp có được tiếng nói chung, cùng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp là việc làm rất ý nghĩa mà UBND tỉnh đã làm. Điều này không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp cống hiến mà còn tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư doanh nghiệp.
Thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, những vấn đề người dân kiến nghị, bức xúc, băn khoăn đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời. Nhiều địa phương đã đổi mới công tác này như tổ chức đối thoại định kỳ 2 lần/quý tới các xóm trên tất cả các lĩnh vực từ tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã đối với nhân dân đến thực hiện các chế độ, chính sách triển khai trên địa bàn như: Vay vốn, các chính sách bảo hiểm; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Đây thực sự là một diễn đàn để nhân dân phản ánh trực tiếp, không mang tính hình thức. Qua đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã bày tỏ được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình một cách dân chủ, thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc, lo lắng trong xã hội và liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân, như các vấn đề đất đai, giải tỏa, đền bù, trật tự an toàn xã hội…
Chẳng hạn như năm 2018, Thường trực Huyện ủy Phú Bình đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân thị trấn Hương Sơn. Tại Hội nghị này, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã trao đổi, đối thoại, trả lời trực tiếp 7 ý kiến kiến nghị của người dân. 7 ý kiến còn lại, Thường trực Huyện ủy đã giao cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất phương án thực hiện, công khai trả lời ý kiến kiến nghị của nhân dân. Đến thời điểm này 5/7 kiến nghị đã được giải quyết, còn 2 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của HĐND liên quan tới công tác dân vận thành các cơ chế, chính sách để thực hiện. Hằng năm, toàn tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho gần 37.000 đối tượng bảo trợ xã hội; cấp trên 360.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 là trên 111 tỷ đồng, trong đó kinh phí trực tiếp hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn là trên 8,6 tỷ đồng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tổ chức được 98 cuộc giám sát trực tiếp liên quan đến các nội dung: Việc tiếp thu, trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc thực hiện các chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí; công tác cải cách hành chính… góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích chính đáng, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc hơn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.