Cập nhật: Thứ ba 26/03/2019 - 09:14

Về xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ), chúng tôi được nhiều người dân kể về chị Nguyễn Thị Hoa, người phụ nữ mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS. Dù biết bị lây nhiễm từ chồng, nhưng chị không oán trách, chỉ bảo: Hai đứa con còn nhỏ, em không muốn gia đình đổ vỡ, chỉ mong anh bỏ ma túy để vợ con bớt khổ.

Anh cúi đầu giấu giọt nước mắt, không khóc trước vợ con, nhưng anh ân hận vì đã mang căn bệnh thế kỷ gieo vào cuộc đời vợ. Sau giây lát nghĩ ngợi, anh ngẩng đầu, nói đĩnh đạc: Nếu không bỏ được ma túy, tôi không làm người.

Sau mỗi lần chồng thề thốt, là một lần chị gồng mình với đau đớn, vật vã của chồng. Chị hy vọng chồng trở nên lương thiện hơn, làm trụ cột trong nhà và làm người bố mẫu mực của hai đứa trẻ. Chị bảo: Tôi đã giúp chồng cai nghiện 12 lần. Từ năm 2014 đến nay, chồng tôi chưa bập lại ma túy. Tôi tin mình thành công.

Chợt phía ngoài cửa có tiếng người trò chuyện, tôi nhìn ra thấy bốn người đàn ông cùng bước vào. Một người trong số họ nói: Hôm trước, vợ tôi có nói bác tới nhà, nên mới rủ thêm ba ông bạn đồng đẳng đến chỗ bác hỏi chuyện. Nói rồi, cả bốn người đàn ông cùng… cởi áo, để lộ những hình xăm kì dị. Cách ứng xử của họ làm tôi phải cảnh giác. Anh nhẹ gọng: Tôi tên Tuấn, là chồng của Hoa. Còn ba người này cũng sinh hoạt ở Câu lạc bộ “Hướng tới tương lai” của huyện Đồng Hỷ. Câu lạc bộ dành cho những người bị lây nhiễm HIV. Tôi đã từ bỏ được ma túy, còn các bạn tôi đang cố.

Chị Hoa tiếp lời chồng : Nhà tôi tuy nhỏ nhưng luôn mở rộng cửa để chào đón các bạn đồng cảnh. Nhiều chị lần đầu đến đây, ngồi khóc cả buổi. Có những anh mặt sần sẹo, chẳng biết sợ ai ngoài đời, vậy mà khóc như con nít. Mà ngay như chồng tôi từng một thời trên bãi vàng bạn bè gọi là đại ca, rồi cả bản thân tôi khi biết mình bị lây nhiệm căn bệnh HIV, đều chết lặng, đợi đêm xuống, các con đi ngủ mới dám ra sau vườn khóc tức tưởi.

Giây lát dừng lời để kiềm chế cảm xúc, chị Hoa tiếp tục câu chuyện: Bác có biết không? Khi nhận kết quả xét nghiệm có HIV, tôi nghĩ đến việc tự tử, nhưng hôm chuẩn bị đi quyên sinh thì đứa con gái lớn của tôi bị ốm. Tôi phải đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu, việc quyên sinh không thành, nhưng cũng lúc ấy tôi thấy mình phải có trách nhiệm nuôi dạy con nên người.

Đứa con gái nhỏ bị bệnh đi cấp cứu đã giúp chị nhận thức ra trách nhiệm của mình là phải sống, phải làm việc kiếm tiền nuôi con… Ngày con lành bệnh, Tuấn đến đón hai mẹ con về nhà trên chiếc xe máy cũ. Chị đã khóc khi nói với chồng: Đời mẹ con tôi vì anh mà khổ. Anh phải từ bỏ ma túy để tôi và các con ra ngoài dám ngầng mặt lên chào mọi người.

Chị đưa chồng ra xã đăng ký đi cai nghiện. Chị còn nhớ nguyên khuôn mặt thất thần của chồng. Đó là năm 2001, lần đầu tiên chị dám “dạy chồng” lẽ phải. Chị bảo: Nếu không chịu, tôi sẽ đâm đơn ra tòa xin ly dị… Sau 6 tháng cai nghiện, anh trở về. Chị ngỡ ngàng vì thấy chồng hồng hào, khỏe mạnh. Chị mừng quýnh, nhưng chỉ ít tháng sau chị bắt gặp anh nằm hút thuốc phiện. Chị kéo anh về nhà, gào khóc rồi đề nghị chồng tự nguyện đi cai. Biết mình có lỗi, anh khoác ba lô, lầm lụi vào trung tâm cai nghiện của tỉnh. Chỉ sau 3 tháng anh về, xin vợ con tha thứ. Mừng lắm, chị tíu tít khoe với hàng xóm chồng mình đã cai nghiện thành công. Nghe tin này, nhiều người lẳng lặng bỏ đi, nhưng không quên để lại cho chị câu nói: “Đừng nghe thằng nghiện”… Quả nhiên anh tái nghiện khi nào không hay. Cảm nhận đau đớn trong chị không còn. Nỗi buồn vì bất hạnh làm chị chai sạn, chị gào lên: Ông có muốn sống làm người nữa hay không?

Tuấn ậm ừ giải thích: Đi làm, bọn nó “mời” mình tái nghiện lúc nào không biết. Rồi anh tự đi mua sợi dây xích, ổ khóa về đưa cho vợ, bảo: Thương anh, hãy xích anh vào chân giường. Chị nín nhịn, xích chồng một chỗ, nhưng ngày hôm sau đã thấy anh tự mở khóa trốn mất. Ba ngày sau anh về, phờ phạc như người mất trí. Lần nữa anh xin lỗi vợ, lại tự đi mua xi măng về đúc thành khối nặng để nhờ vợ xích chân. Mỗi lần xích xong, chị giấu nhẹm chìa khóa ra sau nhà. Chị mặc kệ cho anh đau đớn, vật vã. Chị biết, nếu chỉ một phút yếu mềm, mở khóa, chị sẽ là người đồng lõa với tội ác. Chị cắn răng phục vụ chồng trong những lần cai nghiện. Chị kể: Từ năm 2001 đến hết năm 2014, tôi giúp chồng cai nghiện 12 lần. Đấy là những lần cho chồng đi cai nghiện tập trung và những lần xích chồng vào cục bê tông. Còn số lần cai nghiện lặt vặt thì… không đếm xuể.

Tuấn cho biết thêm: Vì thời gian đi làm vàng, tôi học đòi theo bạn hút, chích ma túy. Do sử dụng chung bơm kim tiêm, tôi không biết mình bị lây nhiễm HIV từ khi nào. Ân hận nhất là để cho vợ bị lây nhiễm HIV, nên tôi thấy thấy mình có tội với vợ con. Tôi từng nghĩ mình phải đi trả thù đời bằng cách “phát tán” căn bệnh này cho bạn bè. Nhưng tình yêu thương của Hoa, của các con đã làm tôi thức tỉnh, bằng mọi giá phải từ bỏ ma túy để gìn giữ gia đình. Dù bị tái nghiện nhiều lần, nhưng ngay sau đó tôi lại quyết tâm cai nghiện. 5 năm nay, nhiều khi thèm ma túy, song tôi quyết không sử dụng lại. Tôi cũng đã khuyên được một số bạn nghiện nên từ bỏ ma túy.

Chị Hoa bảo: Tôi nghiệm ra ma túy cực kỳ khó bỏ, vì trong đầu người nghiện lúc nào cũng nghĩ đến nó, khổ nhất là bạn nghiện khích bác, nếu không vượt qua được là lại tìm đến nó. Những người bị lây nhiễm HIV như chồng tôi, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của mọi người trong cộng đồng xã hội, bản thân tự ti, chán nản, mất niểm tin vào cuộc sống, họ sẽ nhanh chóng tìm đến với ma túy. Tôi tự cai nghiện cho chồng, vì tôi là vợ, là người phụ nữ sinh nở cho anh những đứa con. Nên tôi là điểm tựa cho chồng vượt qua tháng ngày đau đớn, vật vã để tái hòa nhập với cộng đồng.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Phạm Ngọc Chuẩn