Cô cẩn thận mở lá thư, hướng xuống biển rồi chậm rãi đọc khi mọi người còn chưa kịp hiểu chuyện gì. Đôi tay cô run run vì xúc động, giọng đọc nhiều lúc bị tắc nghẹn bởi tiếng nấc. Nước mắt cô giàn giụa. Nội dung bức thư đại ý rằng: Bảy - em yêu quý của anh! Đã hơn 30 năm kể từ ngày 14/3/1988 định mệnh, khi em và hơn 60 đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Giờ em vẫn nằm dưới đáy đại dương. Không lúc nào anh quên được em. Ngày ngày ở quê nhà anh thắp hương tưởng nhớ em. Vì điều kiện sóng gió, xa xôi, anh không đến tận nơi được, sắp tới có cháu Chi ở Báo Hà Nam đi công tác Trường Sa, anh có vài dòng chữ nhắn nhủ. Cầu mong cho vong linh em và các đồng đội của em siêu thoát, phù hộ cho những đồng đội ở Trường Sa hôm nay luôn mạnh khỏe, chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Anh trai của em: Trần Xuân Thu.
Đọc xong lá thư, cô gói lại, chắp tay hồi lâu hướng về phía đảo Gạc Ma cách đó vài hải lý rồi thả thư xuống biển. Nước mắt cô vẫn lưng tròng. Lúc này mọi người cùng xúm lại hỏi và mới vỡ lẽ. Cô là Nguyễn Khánh Chi, phóng viên Báo Hà Nam. Trong một lần tác nghiệp, cô xúc động khi biết gia đình và hoàn cảnh nhập ngũ, hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Bảy. Lặn lội về xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng (Hà Nam), cô được anh trai liệt sĩ là ông Trần Xuân Thu kể tường tận và cung cấp một số kỷ vật của em mình.
Liệt sĩ Trần Văn Bảy sinh năm 1967, là em út trong gia đình có nhiều anh em trai, năm 18 tuổi, khi đang học lớp 12, anh Bảy giấu gia đình để viết đơn tình nguyện nhập ngũ rồi được biên chế vào Hải quân. Đóng quân ở xa, gần 3 năm từ khi nhập ngũ đến lúc hy sinh, anh không một lần về thăm nhà mà chỉ duy trì liên lạc qua những bức thư tay. Lá thư nào, anh Bảy cũng động viên gia đình hãy yên tâm, luôn hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi trở về đoàn tụ. Lần cuối cùng anh viết thư về nhà là trước khi lên tầu ra Trường Sa và hy sinh 11 ngày sau đó. Nghe hung tin về con, Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Vạo lại thêm một lần đau. Trước đó, 2 người con trai của Mẹ đã hy sinh anh dũng tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bản thân ông Trần Xuân Thu cũng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị thương. Luôn đau đáu thực hiện di nguyện của mẹ mình, ông đã kiên trì bằng nhiều cách, thông qua nhiều kênh để tìm hài cốt 2 anh trai nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Riêng việc tìm liệt sĩ Trần Văn Bảy thì vô vọng bởi anh hy sinh trên biển…
...thả thư của gia đình gửi vong linh Liệt sĩ Trần Văn Bảy xuống biển gần đảo Gạc Ma.
Câu chuyện về gia đình liệt sĩ Trần Văn Bảy đã gây sự xúc động mạnh cho phóng viên Khánh Chi, thôi thúc cô xung phong đi công tác Trường Sa chuyến này. Khánh Chi chia sẻ: Từ lâu em đã mong ước một lần được đến Trường Sa và đã đọc rất nhiều bài viết về Trường Sa. Khi biết về liệt sĩ Trần Văn Bảy và hoàn cảnh gia đình anh, em càng mong mỏi được đến Trường Sa để đóng góp chút gì đó cho biển đảo quê hương. Đó như mệnh lệnh từ trái tim. Ngoài lá thư đặc biệt này, em cũng mang theo hàng trăm lá cờ Tổ quốc do Câu lạc bộ “Những người con Hà Nam yêu biển đảo” quyên góp để tặng cho các đảo ở Trường Sa.
Tầu HQ 571 vẫn bền bỉ cắt sóng thẳng hướng Trường Sa, đi ngang qua Gạc Ma, nơi thế lực nước ngoài vẫn ngang nhiên chiếm đóng trái phép từ sau ngày 14/3/1988 đau thương ấy. Sự kiện liệt sĩ Trần Văn Bảy và 63 đồng đội của anh hy sinh anh dũng đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi người đều xúc động bởi lá thư mà phóng viên Nguyễn Khánh Chi vừa đọc rồi không ai bảo ai, cùng hướng mắt về phía đảo Gạc Ma. Có người chắp tay nguyện ước và như muốn hỏi vong linh liệt sĩ: “Dưới biển sâu, anh có nhận được thư này!?”.