Thiếu tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Phú Bình cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Bình xảy ra 10 vụ cố ý gây thương tích, trong đó nhiều vụ có tính chất phức tạp. Điển hình khoảng 22 giờ ngày 16/1/2019, hai đối tượng cùng sinh năm 1998, ở xã Nga My là Tạ Văn Thuận (thường trú tại xóm Ba Tầng) và Nguyễn Hữu Trọng (thường trú ở xóm Núi Ngọc) gặp nhau tại nhà ông Nguyễn Văn Vọng (sinh năm 1975, ở xóm Phú Xuân, xã Nga My) để giải quyết mâu thuẫn trước đó giữa 2 bên. Trong lúc nói chuyện, Thuận gọi điện cho Tạ Văn Tiệp, (sinh năm 1991) là chú của Thuận đến nhà ông Vọng. Trước khi đi, Tiệp mang theo 1 con dao tông kẹp vào xe máy. Đến nơi, Thuận và Tiệp không hòa giải được mà tiếp tục xảy ra cãi nhau với Trọng, lúc này anh trai Trọng đang ở gần đó cũng chạy đến để bênh em trai. Thấy vậy Tiệp và Thuận dùng hung khí mang theo đuổi đánh nhưng Trọng bỏ chạy ra ngoài. 2 đối tượng quay vào đánh anh trai Trọng làm bị thương gây rách da, chảy máu ở đầu. Lúc này ông Vọng và người dân chạy đến can ngăn, giằng được con dao. Thuận và Tiệp về nhà mỗi người lấy một con dao đi tìm Trọng. Khi nhìn thấy, Tiệp cầm cả dao của Thuận đuổi theo chém nhiều nhát vào đầu và cánh tay của Trọng. Hậu quả khiến Trọng bị thương nặng phải đi cấp cứu, điều trị tại bệnh viện C.
Cá biệt có những đối tượng vẫn đang học THPT đã phạm tội, gây tổn hại về tinh thần, sức khỏe người khác. Ví dụ như vụ việc xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 15/11/2018, Dương Văn Chúc (trú tại xóm Đồng Áng, xã Bảo Lý) cùng 5 bạn học (đều sinh năm 2001, 2002) đến quán nước ngồi. Tại đây, Chúc gặp Trần Thế Tường (trú tại xóm Châu, xã Tân Kim) cũng đang cùng nhóm bạn ở đó. Do mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội với Tường từ trước nên Chúc rủ các bạn đánh nhóm của Tường. Hai nhóm đã dùng các vật dụng trong quán nước đánh nhau, hậu quả khiến 2 người bạn của Tường bị gục tại chỗ, rách da, chảy máu mang tai phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.
Theo phân tích của Thiếu tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc cố ý gây thương tích là do công tác phòng ngừa tội phạm chưa thực sự được quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết một cách dứt điểm, triệt để. Một bộ phận có lối sống bạo lực, ích kỷ, góp phần hình thành thói coi thường người khác. Điều này dẫn đến nhiều khi chỉ vì một hiềm khích nhỏ không được can ngăn kịp thời, cũng dẫn đến hành động cố ý gây thương tích mà hậu quả để lại rất nặng nề cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn huyện còn chưa sinh động, hấp dẫn nên hiệu quả chưa cao. Ở một số xã vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa của người dân còn thấp, cuộc sống khó khăn, bà con ít tiếp cận với các tài liệu giáo dục pháp luật nên một số trường hợp thậm chí không nhận thức được rằng việc làm tổn hại đến sức khỏe người khác là vi phạm pháp luật. Số liệu thống kê của Công an huyện Phú Bình cũng cho thấy các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích chủ yếu còn trẻ, 80% trong độ tuổi từ 18-30. Phần lớn trong số đó là những thanh niên không có việc làm ổn định, hay chơi bời và thích sống tụ tập. Không thích chịu sự quản lý của gia đình, xã hội, hay sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và mỗi khi hành động thường rất liều lĩnh, nguy hiểm.
Trung tá Đỗ Văn Nguyên, Phó trưởng Công an huyện Phú Bình nhận định: Tội phạm cố ý gây thương tích nếu không được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự trên địa bàn. Để hạn chế các vụ án cố ý gây thương tích, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân huyện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với tội cố ý gây thương tích, tăng cường xét xử công khai, lưu động các vụ án điểm. Thường xuyên gọi hỏi, răn đe các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội nguy hiểm. Làm tốt công tác thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm cố ý gây thương tích, truy bắt kịp thời các đối tượng cố ý gây thương tích đang lẩn trốn. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì khi xảy ra mâu thuẫn, các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết thấu tình đạt lý, không để mâu thuẫn kéo dài. Nếu không hòa giải được thì có đơn đề nghị chính quyền các cấp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến hậu quả đáng tiếc như nhiều vụ việc đã xảy ra.