P.V: Trước hết, xin ông cho biết khái quát về Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021?
Ông Phạm Việt Đức: Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình GDPT mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Theo đó, Chương trình mới được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lộ trình thực hiện với sách giáo khoa phổ thông mới như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12. Nét mới của Chương trình GDPT mới là định hướng rõ phát triển năng lực học sinh, nghĩa là học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có khả năng tự tạo việc làm, có thể học nghề, tự khởi nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình, quan trọng nhất là chuẩn bị cơ sở vật chất, khả năng điều kiện để học sinh thâm nhập vào thực tế, tìm hiểu để phát huy được năng lực của bản thân.
P.V: Vậy, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng Chương trình GDPT mới?
Ông Phạm Việt Đức: Từ năm học 2015-2016 đến nay, Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung nhằm chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới, như: Rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để có kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ; tổ chức tập huấn phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên; đổi mới việc đánh giá hoạt động nhận thức của học sinh; triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn, giai đoạn 2018-2025...
Theo lộ trình, năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa với lớp 1, nên năm 2019 này được ngành xác định là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT mới. Trong đó chúng tôi quan tâm nhất là điều kiện để các trường tiểu học có thể học 2 buổi/ngày; rà soát đội ngũ để bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đảm nhiệm dạy lớp 1 trong năm học tới; xây dựng thêm trường, điểm trường, nâng tầng các trường học để có thêm lớp học; tập trung cho bồi dưỡng giáo viên lớp 1, chú ý đến cả kiến thức và kỹ năng sư phạm.
P.V: Chương trình GDPT mới quy định mỗi khối lớp cấp THCS và THPT có 35 tiết về giáo dục địa phương/năm học và Sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu với UBND tỉnh về việc biên soạn nội dung giáo dục địa phương. Vậy, ngành đã làm gì để thực hiện việc này, thưa ông?
Ông Phạm Việt Đức: Khác với hiện hành, Chương trình GDPT mới không lồng ghép nội dung giáo dục địa phương vào các môn mà coi đó như một môn độc lập. Điều này phù hợp với xu hướng tích hợp liên môn và chủ trương giao quyền tự chủ trong xây dựng chương trình của nhà trường. Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể, Sở GD-ĐT Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều công việc. Cụ thể: Giao phòng chuyên môn xác định các chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương ở từng lĩnh vực văn hóa, lịch sử truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương. Chủ đề biên soạn phải thể hiện được yêu cầu hướng nghiệp và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, nhất là với cấp THPT.
Chúng tôi đang phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Dự án “Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2” của Bộ GD-ĐT để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Trong thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định hoặc ủy quyền cho Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu địa phương; ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn thành viên của các hội đồng.
P.V: Như ông đã đề cập, trở ngại lớn nhất khi thực hiện Chương trình GDPT mới là tình trạng thiếu giáo viên và đào tạo lại giáo viên để dạy tích hợp. Vậy ngành đã có giải pháp gì cho vấn đề này?
Ông Phạm Việt Đức: Trong chương trình sẽ có một số môn học mới hoặc có tên mới theo hướng tích hợp, liên môn và định hướng nghề nghiệp. Xác định rõ đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công trong thực hiện Chương trình GDPT mới, Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích phát huy quyền tự chủ của cơ sở giáo dục và địa phương trong xây dựng quy hoạch tổng thể về đội ngũ giáo viên. Có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn đào tạo bổ sung, bồi dưỡng cho giáo viên, giảm thiểu tối đa việc thừa giáo viên đơn môn, thiếu giáo viên tích hợp. Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ để thích ứng kịp thời với tính mở và định hướng nghề nghiệp. Sở cũng chỉ đạo các trường tận dụng đa cơ sở vật chất hiện có; xây dựng kế hoạch trang bị thêm thiết bị tối thiểu cho những môn học mới; phát huy ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, tích cực tự làm thiết bị dạy học...
P.V: Sở GD-ĐT có lưu ý gì với các trường và giáo viên để họ có thể bắt nhịp ngay với chương trình, sách giáo khoa mới, thưa ông?
Ông Phạm Việt Đức: Đối với các trường, chúng tôi chỉ đạo rà soát, đánh giá ngay thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học; có kế hoạch bổ sung giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đồng thời, tổ chức sửa chữa, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện Chương trình GDPT mới. Về giáo viên, cần chủ động tự nghiên cứu, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do trường và các cấp quản lý tổ chức. Chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định. Giáo viên cũng cần tích cực truyền thông tới cha mẹ học sinh và xã hội để mọi người hiểu rõ hơn về việc đổi mới Chương trình GDPT nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nói chung.
P.V: Xin cảm ơn ông!