Cập nhật: Thứ bẩy 23/03/2019 - 08:08
Do thiếu phòng học, Trường Mầm non Vô Tranh (Phú Lương) phải ngăn tôn chia phòng thành 3 lớp học.
Do thiếu phòng học, Trường Mầm non Vô Tranh (Phú Lương) phải ngăn tôn chia phòng thành 3 lớp học.

Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện Phú Lương đã được quan tâm đầu tư xây mới với cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, do lượng trẻ đến lớp trong năm học này tại một số địa phương tăng mạnh nên nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện còn thiếu phòng học. Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu các công trình phụ trợ.

Trường Mầm non Phấn Mễ 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) được xây dựng từ năm 2014 tại xóm Bầu 2 với tổng diện tích trên 5.500m2. Trường không có tường bao, không có phòng bảo vệ, sân trường tuy đã được lát gạch nhưng xung quanh vẫn còn nhiều nền đất. Khu vui chơi ngoài trời với các mô hình đồ chơi đã sờn, rách, cũ hỏng. Trường có một dãy phòng 4 lớp học và 1 dãy nhà hiệu bộ. Khu bếp ăn được xây tạm nhờ nguồn đóng góp của phụ huynh giờ cũng đã xuống cấp.

Bà Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phấn Mễ 1, cho biết: Năm học 2018-2019, trường có 7 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với 293 cháu. Là một trong những xã đông dân nhất trên địa bàn huyện, số trẻ ở đây tăng nhanh theo từng năm học. Hiện, các lớp mẫu giáo đều quá tải từ 10 đến 20 cháu. Để giảm bớt tình trạng quá tải tại các lớp, Nhà trường đã phải ngăn đôi phòng họp hội đồng thành 2 lớp mẫu giáo 3-4 tuổi và tận dụng cho 1 nhóm trẻ học tại phòng phó hiệu trưởng. Hiện, cơ sở vật chất của Nhà trường còn thiếu 6 phòng học, các phòng chức năng (giáo dục thể chất, âm nhạc, y tế), phòng bảo vệ, hệ thống tường bao…

Bên cạnh Trường Mầm non Phấn Mễ, Trường Mầm non Vô Tranh, xã Vô Tranh (Phú Lương) cũng đang gặp khó khăn về phòng lớp học. Trường có tổng số 426 cháu, 15 lớp nhưng phải học ở 3 khu khác nhau là khu trung tâm tại xóm Liên Hồng 7, khu xóm Tân Bình 3 và khu tại xóm Thống Nhất.  Khu trung tâm tại xóm Liên Hồng 7 có 4 phòng học cấp 4 được xây dựng từ năm 2009 đến nay đã xuống cấp, mái dột, tường bị ngấm, hệ thống vệ sinh tắc, hỏng. Hiện có 290 trẻ, 8 lớp học, trong đó có 3 phòng học nhờ tại trung tâm học tập cộng đồng cũ, 1 lớp học tại phòng hội đồng trường. Hai khu nhà trẻ còn lại cách xa khu trung tâm 3-6km, đều là phòng cấp 4 học tạm với điều kiện thiếu thốn. Chị Vi Thị Thủy, giáo viên trường mầm non Vô Tranh, chia sẻ: Lớp học của các cháu rất chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu đồ dùng, đồ chơi. Trời nắng thì không sao nhưng hễ cứ mưa là nước ngấm vào tường, lênh láng trên sàn nên chúng tôi phải bố trí cho các cháu dồn lớp hoặc nghỉ học vào những ngày mưa to.

Hiện, trên địa bàn huyện Phú Lương có 17 trường mầm non, 209 phòng học mầm non, trong đó có 92 phòng học kiên cố, 117 phòng bán kiên cố. Trong số 209 phòng học này, có 7 phòng học tạm tại các nhà văn hóa, lớp tiểu học, trung tâm học tập cộng đồng và nhiều phòng học đã xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng chưa có cơ sở vật chất hoàn thiện, thiếu phòng học, công trình phụ trợ, tường rào... Nguyên nhân là do những năm qua, số trẻ ở cấp mầm non tại những địa bàn dân cư đông đúc gia tăng nhanh, trong khi đó kinh phí đầu tư còn hạn chế nên cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp thời.

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã có kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020 gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng từng bước nâng cao cơ sở vật chất, đặc biệt là cấp học mầm non. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực còn hạn chế. Vì vậy, huyện mong muốn các cấp, ngành tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Thu Nga